Tân Chủ tịch TTC AgriS: Người mở rộng di sản TTC

Hai vợ chồng ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc có 4 người con, trong đó bà My là cô con gái duy nhất.

Là thế hệ Chủ tịch thứ 2 của TTC AgriS, bà Đặng Huỳnh Ức My đã tham gia lãnh đạo doanh nghiệp từ năm 2018.

Một buổi chiều tháng 10, bên trong một trung tâm hội nghị tại TP.HCM, hình ảnh của Đặng Huỳnh Ức My hiện lên trên màn hình sân khấu, bên cạnh là dòng chữ “Doanh nhân xuất sắc châu Á”. Đó là lần thứ 3 bà My được vinh danh tại Lễ trao giải The Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) tại hạng mục mà ba của bà, ông Đặng Văn Thành đã đạt được nhiều năm về trước. Nhưng sự khác biệt lần này là bà đón nhận sự ghi nhận ở cương vị người thuyền trưởng của con tàu Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT).

Chủ tịch TTC AgriS Đặng Huỳnh Ức My được vinh danh “Doanh nhân xuất sắc châu Á”
Chủ tịch TTC AgriS Đặng Huỳnh Ức My được vinh danh “Doanh nhân xuất sắc châu Á”

Đó cũng là chặng đường ghi dấu ấn từ cô gái nhà họ Đặng đến vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của doanh nghiệp nông nghiệp TTC AgriS – một trong những nhánh kinh doanh lớn nhất của Tập đoàn TTC.

Niêm yết trên sàn London & NewYork, vượt mốc tỉ USD

Chiếm 46% thị phần ngành đường trong nước, TTC AgriS là doanh nghiệp đường nội địa lớn nhất. Ngoài việc liên tục mở rộng quy mô công ty và vùng nguyên liệu bằng chiến lược mua bán – sáp nhập (M&A) liên tục để sở hữu vùng nguyên liệu hướng đến 90.000 ha trải rộng trên 3 nước Đông Dương và Úc, Công ty còn sở hữu một lợi thế độc nhất trong ngành: Kinh doanh quốc tế tại Singapore, từ đó niêm yết giao dịch trên 2 sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới là London (Anh) và New York (Mỹ).

Quốc đảo Sư tử có thể xem như một cứ điểm của TTC AgriS bên ngoài Việt Nam, bên cạnh châu Đại Dương. Để thâm nhập vào thị trường hàng hóa quốc tế, bà My đã mở công ty tại trung tâm giao thương tài chính của khu vực là Singapore vào năm 2017. Khi đăng ký niêm yết đường trên sàn giao dịch hàng hóa London, bà My nhận được câu hỏi “Việt Nam xuất khẩu làm gì trong khi trong nước còn thiếu?”. Thực vậy, Việt Nam vẫn cần nhập khẩu hơn 100.000 tấn đường mỗi năm để phục vụ nhu cầu trong nước và năng lực sản xuất chỉ là con số lẻ so với toàn thế giới.

Thế nhưng, với bà My, “không có giao thương một chiều”. Việt Nam phải nhập khẩu đường thô mỗi năm không đồng nghĩa với việc họ bị hạn chế xuất khẩu sản phẩm đường tinh chế. Đến nay, TTC AgriS là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam niêm yết, có “đăng ký năng lực ngành nghề”.

“Cuộc gọi đầu tiên của tôi bị cắt chỉ sau câu mở đầu”, bà My hồi tưởng về khởi đầu khó khăn ở vị thế của một nước nhỏ trong ngành mía đường, “vì vậy tôi đã mua đơn hàng đầu tiên hoàn toàn bằng tiền mặt”. Trong giới hàng hóa khi ấy không ai mua bằng tiền mặt, vì vậy khách hàng tên “TSU Việt Nam” có thể gây ấn tượng với người bán để hoàn tất được đơn hàng đầu tiên, từ đó mở tài khoản giao dịch với các trading house, bắt đầu con đường tiến tới giao dịch trên sàn London. Trong năm đầu tiên, họ bắt đầu mua và bán 20.000-30.000 tấn đường (ở mức giá 15 cent mỗi pound vào năm 2017-2018) đã gọi là thành công, giờ đây họ có thể giao dịch vài trăm ngàn tấn với giá trị lên đến 500 triệu USD.

Định vị công ty là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, việc tham gia thương mại quốc tế cũng đóng vai trò chất xúc tác trong việc ứng dụng công nghệ. Nữ Chủ tịch (khi ấy là Phó chủ tịch) đã khắc phục được yếu điểm trong xuất khẩu của doanh nghiệp Việt là chứng minh năng lực. “Vấn đề nằm ở năng lực quản lý chất lượng dài hạn”, bà My phân tích. Cơ sở của chất lượng là ở những chứng chỉ (certificate). Với bà My, chứng chỉ không phải là đích đến, mà bà áp dụng những yêu cầu, quy định để đạt chứng chỉ vào vận hành “hiểu luật để vận dụng luật”.

Bà My cũng đề ra chiến lược kinh doanh quốc tế và trực tiếp “dấn thân” vào thị trường toàn cầu để tổ chức hoạt động thương mại và xuất khẩu từ việc xuất khẩu dừa, mật rỉ, đến đường organic cho TTC AgriS. Bà cho biết, mất 7 năm để thành công chinh phục các thị trường khó tính nhất thế giới. Đến nay, các sản phẩm của Công ty đang phục vụ hơn 2.600 khách hàng đối tác và đến tay hàng triệu người tiêu dùng tại hơn 69 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 Kênh phân phối chính của TTC AgriS
Kênh phân phối chính của TTC AgriS

Theo đuổi các cam kết phát triển bền vững, chuẩn hóa và minh bạch hoạt động quản trị tương ứng các thông lệ quốc tế giúp TTC AgriS trở thành điểm đến của các định chế tài chính hàng đầu trong nước và quốc tế trong thời gian qua. Chỉ trong vòng 1 năm, với uy tín của thương hiệu cùng ảnh hưởng của bà Ức My trên trường quốc tế, doanh nghiệp đã huy động được 220 triệu USD dòng vốn ngoại cho lĩnh vực nông nghiệp, tiêu dùng và các mảng phụ trợ từ những định chế tài chính lớn như E.SUN Bank, IFC, SMBC, Ngân hàng FCB, nhóm 9 định chế tài chính Đài Loan…

Năm 2023, lần đầu tiên doanh thu của TTC AgriS cán mốc 1 tỉ USD (khoảng 24.000 tỉ đồng). Họ tiếp tục quán tính với 29.000 tỉ đồng trong năm 2024, hướng tới mục tiêu 60.000 tỉ đồng doanh thu vào năm 2030. Với quy mô dân số 600 triệu dân của toàn thị trường châu Á, với bà My, mục tiêu đó còn “khá khiêm tốn”.

Những người mở rộng di sản

Hai vợ chồng ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc khởi nghiệp với kinh doanh mật rỉ từ năm 1979, sau đó chính thức đặt chân vào ngành sản xuất mía đường vào năm 1996. Họ bắt đầu với Đường Ninh Hòa đến Đường Bourbon Tây Ninh vào năm 2017. Thương vụ sáp nhập với Đường Biên Hòa vào năm 2017 đã giúp TTC AgriS thừa hưởng truyền thống và bề dày kinh nghiệm của doanh nghiệp có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Đến nay, TTC AgriS cung cấp hơn 1 triệu tấn đường mỗi năm, trong đó hoạt động xuất khẩu ngày càng đẩy mạnh lên đến 40%.

Họ có 4 người con, trong đó bà My là cô con gái duy nhất. Trong khi con trai trưởng Đặng Hồng Anh, sinh năm 1980, phát triển ngành bất động sản thì cô con gái sinh năm 1981 Đặng Huỳnh Ức My ngay từ sớm lại “lăn lộn” qua nhiều nghiệp vụ trong các ngành nghề khác của TTC Group để xây dựng hệ thống và định hình nền tảng quản trị cho Tập đoàn. Sau đó, bà Ức My đã theo nghiệp mẹ tập trung vào ngành nông nghiệp với hàng loạt thương vụ thâu tóm các công ty khác cùng lĩnh vực. Mảng du lịch và năng lượng còn lại được phân cho 2 người con trai giữa và út.

Ông Thành tự tin “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh” và cho biết: “Người làm mía đường, người làm bất động sản hay du lịch đã được tôi hoạch định rất sớm từ sở trường, khả năng và sự yêu thích của từng người con của tôi”.

Thế hệ sáng lập tập đoàn TTC Group hoàn toàn ủng hộ và tự tin vào năng lực của người kế thừa Đặng Huỳnh Ức MyThế hệ sáng lập tập đoàn TTC Group hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng vào năng lực của người kế thừa Đặng Huỳnh Ức My

Là thế hệ Chủ tịch thứ 2 của TTC AgriS, bà My đã tham gia lãnh đạo doanh nghiệp từ năm 2018.  Bà từng là Chủ tịch của TTCS, sau đó dấn thân mở rộng thị trường quốc tế và chính thức “tái” tiếp quản vị trí Chủ tịch từ tháng 7/2024. Đến nay, bà My đã trải qua 20 năm kinh nghiệm trong 5 ngành thuộc TTC Group, bao gồm du lịch – khách sạn, sản xuất nông nghiệp, thương mại, năng lượng và giáo dục.

Trong chặng đường 2 thế hệ nhà TTC cùng nhau lãnh đạo Công ty, bà Huỳnh Bích Ngọc giữ vị trí lãnh đạo tinh thần, truyền lửa và trao quyền, còn cô con gái nắm vai trò định hướng chiến lược và thực thi mọi quyết sách. Quá trình chuyển giao quyền lực này đã được chuẩn bị chu toàn và diễn ra từ rất lâu. Bà Bích Ngọc cho biết, việc chuyển giao đã được lên kế hoạch từ năm 2015 và quá trình tiếp quản diễn ra tự nhiên. “Khi các bạn đủ trưởng thành, tôi sẽ chuyển giao hẳn để lui về hậu trường”, bà Ngọc nói.

Từ bài học của những tập đoàn gia đình tại Hàn Quốc, Nhật về quá trình chuyển giao thế hệ, ông Thành nhận ra trước khi đạt được tầm ảnh hưởng đến khu vực, các tập đoàn đó đã phải trải qua thời kỳ quá độ. Nhận thức điều đó, lộ trình “quá độ” đã được ông xác định rõ ràng: “Với xuất phát điểm có hạn, thế hệ “doanh nhân 6x” đã làm tốt công việc trong dải đất hình chữ S; còn thế hệ hiện nay được trang bị kiến thức hiện đại và được kế thừa từ thế hệ trước sẽ thực hiện cuộc chơi mang tầm vóc lớn hơn là vượt khỏi khu vực Đông Nam Á, tiến ra châu Á và hướng tới việc hiện diện trên toàn cầu”.

Với ông Thành, “điểm dừng” và “thời điểm dừng”, thực chất là bước đi của người có tầm nhìn, đó là sự chấp nhận lùi lại để sức bật của thế hệ kế cận có điều kiện phát huy. Sức bật, sự sáng tạo của tuổi trẻ sẽ được hỗ trợ từ phía sau bởi kinh nghiệm thương trường được chắt lọc từ thế hệ trước.

“TTC đầu tư đa lĩnh vực và đây chính là môi trường để các con trải nghiệm và đối đầu thách thức, vững vàng hơn. Đến một thời điểm nào đó thích hợp, vợ chồng tôi cũng sẽ bàn giao lại cho các con để nghỉ ngơi, nhưng chắc chắn tôi vẫn sẽ đứng sau dõi theo”, ông Thành nói thêm. Dù là một doanh nhân lừng lẫy, nhưng cũng như các bậc phụ huynh khác luôn quan tâm và muốn dìu dắt con cái, ông Thành luôn muốn hỗ trợ, tham vấn từ phía sau cho thế hệ F1 của nhà TTC.

Tân Chủ tịch của TTC AgriS tự hào được mọi người công nhận dù di sản trên vai của bà rất lớn với cái bóng của ba mẹ đều là những doanh nhân hàng đầu tại Việt Nam kể từ sau thời kỳ Mở cửa. Nữ doanh nhân 8x được giới thương nhân đánh giá đã kế thừa trọn vẹn tầm nhìn, sự kiên quyết và can đảm của ba, kết hợp cùng sự độc lập kiên cường và tinh thần dấn thân, nhận lãnh trách nhiệm của mẹ.

“Trong vô thức, tôi đã quan sát, học hỏi từ ba, rồi ngấm những tính cách của ông vào mình lúc nào không biết”, bà My kể lại. Đó là tính cách của một gia đình từng có doanh nghiệp đứng trong Top 10 sàn chứng khoán Việt Nam kinh doanh trải rộng trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng, bất động sản, nông nghiệp, du lịch, năng lượng xanh…

Nhớ lại thời điểm bắt đầu tham gia vào hoạt động của TTC Group gần 20 năm trước, được sự gợi ý và đồng thuận của ba mẹ, bà My đã thành lập bộ phận Đầu tư và quyết liệt cải tổ quy trình kinh doanh, tài chính của Công ty. Lúc đó, bà đã phải đối mặt với một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ hệ thống cũ. Nhưng sự tin tưởng của ba mẹ đã tạo điều kiện, cổ vũ cho bà My vững vàng hơn trong các quyết định khó khăn. Đến hiện tại, bà vẫn luôn biết ơn ba mẹ vì sự ủng hộ tuyệt đối trong những ngày đầu thử thách đó. Bà khẳng định: “Không có sự tin tưởng của ba mẹ, tôi đã không thể đi một hành trình dài đến thế, vươn ra toàn cầu và xướng tên TTC trên thương trường quốc tế”.

Là con gái duy nhất trong 4 người con trong gia đình, những tưởng cô tiểu thư sẽ chỉ cần hưởng thụ sự cưng chiều và bảo bọc. Nhưng bà Ức My lại kiên quyết rời khỏi nhung lụa. “Để được đi du học, tôi đã phải đấu tranh lớn với ba mẹ”, bà kể về sự đơn độc, vượt qua những thách thức khi đi học nước ngoài và đi làm tại Ngân hàng ANZ trong những ngày đầu tại New Zealand.

Đối với vai trò sáng lập và đặt nền móng cho TTC AgriS của thế hệ đi trước, bà My vô cùng trân trọng và tri ân những giá trị mang tính di sản. Bà cam kết dẫn dắt TTC AgriS giữ vững nền tảng cốt lõi, đảm bảo hoạt động lành mạnh để phát triển bền vững. Theo bà, đây là cách kế thừa để gìn giữ và truyền lại di sản của những người sáng lập một cách trường tồn cho thế hệ mai sau.

Nông nghiệp mía đường Việt Nam cũng trải qua nhiều thăng trầm. Xưa phải vượt qua những thách thức như ATIGA, nay phải ứng phó với biến đổi khí hậu, nhân sự có đam mê với ngành nông nghiệp lại hiếm hoi. Nhưng cả 2 thế hệ lãnh đạo TTC AgriS đã dìu dắt nhau, kiên trì vượt qua những thách thức đó.

Với tầm nhìn nhạy bén, tư duy hiện đại cùng kiến thức chuyên sâu được đào tạo bài bản từ môi trường quốc tế, bà đã thể hiện xuất sắc vai trò lãnh đạo khi có những chiến lược trọng yếu cho TTC AgriS. Các cột mốc của TTC AgriS lần lượt được ghi nhận: chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi mô hình kinh doanh, vận động nguồn lực tập trung thực hiện chiến lược kinh doanh quốc tế, huy động tài chính xanh…

Bà Đặng Huỳnh Ức My cùng các nhà đầu tư và đối tác quốc tế trong ngày TTC AgriS International Partner Day 2024
Bà Đặng Huỳnh Ức My cùng các nhà đầu tư và đối tác quốc tế trong ngày TTC AgriS International Partner Day 2024

Đặc biệt, bà là người định hướng TTC AgriS phát triển bền vững, đưa TTC AgriS tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế về thực hành tốt ESG, áp dụng Zero Waste…, phấn đấu đạt Net Zero vào năm 2035. Bà khẳng định, phải dẫn dắt TTC AgriS tiến xa hơn nữa, không chỉ là doanh nghiệp dẫn đầu trong nước mà còn khẳng định vị trí trên trường quốc tế.

“Trong thế giới có tốc độ đổi mới theo cấp số nhân, duy trì sự nhanh chóng nắm bắt và thích nghi với thay đổi là yếu tố cốt lõi để thành công lâu dài”, bà My chia sẻ. Đổi mới không là một khái niệm mới với TTC AgriS khi họ liên tục thích nghi, cập nhật và chuyển đổi kể từ những bước đi đầu tiên, được thúc đẩy bởi tinh thần kinh doanh, lòng phụng sự và nền tảng đa giá trị được tạo ra bởi thế hệ sáng lập.

“Tinh thần này, cũng như văn hóa và các giá trị kế thừa đã trở thành xương sống cho những thành tựu của TTC AgriS. Đây cũng chính là trách nhiệm mà chúng tôi gìn giữ cho những thành công tiếp nối trong tương lai”, bà My nói thêm.

Có thể bạn quan tâm 

Chủ tịch Tập đoàn TTC: “Thế hệ trẻ sẽ có sức bật tốt”

Theo Nhịp cầu đầu tư