Trong giai đoạn kinh doanh di động không còn tăng trưởng mạnh mẽ, chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn trong giai đoạn đầu tư, FPT Retail (FRT) đã và đang liên tục tìm tòi, thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh mới.
Cuối năm 2019 sẽ có 80 ki-ốt bán mắt kính
Đáng chú ý trong quý 3, Công ty bắt đầu bán mắt kính dưới mô hình ki-ốt trong cửa hàng FPT. Trong số 584 cửa hàng, đã có 20 cửa hàng bán mắt kính. Công ty ước tính có 80 ki-ốt vào cuối năm 2019 và 300 ki-ốt trong tương lai, ghi nhận bởi Chứng khoán SSI. Theo ban lãnh đạo, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng mắt kính sẽ tương tự như phụ kiện, khoảng 40-50%. Vì sản phẩm này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, Công ty chưa đưa vào dự báo doanh thu và lợi nhuận cho các cửa hàng FPT kể trên.
Trước đó vào khoảng tháng 4/2019, Công ty cùng với Nguyễn Kim bán hàng điện máy, tuy nhiên sau 6 tháng kết quả không đạt kỳ vọng, ban lãnh đạo đã tạm dừng việc hợp tác trên nhằm tập trung nguồn lực cho lĩnh vực hiệu quả hơn.
Cùng thời điểm, FPT Retail tiếp tục bắt tay với Fado – một doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới với 2 đối tác chính là Amazon và Alibaba – thực hiện. Chia sẻ về mảng này, người đứng đầu doanh nghiệp cho biết lý do thử nghiệm xuất phát từ thực tế rất nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng nước ngoài nhưng chưa tìm được ở Việt Nam, hoặc giá trong nước quá đắt, hoặc trở ngại trong việc thanh toán khi chỉ 10% người Việt sở hữu thẻ tín dụng. Chưa kể khi đặt hàng ở nước ngoài phải chờ hàng chuyển về trong khoảng thời gian lâu, chi phí vận chuyển cũng không rẻ, thậm chí mất thêm thời gian để làm thủ tục lấy hàng… Do đó, FPT Retail sẽ cung cấp dịch vụ cung ứng hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam với cam kết giảm thiểu rủi ro mất hàng.
Đến giữa năm, FPT Retail tiếp tục bổ sung hai ngành nghề kinh doanh là bưu chính và chuyển phát. Đây được biết là công tác chuẩn bị hành lang pháp lý cho chiến lược mở rộng những ngành hàng liên quan thời gian tới.
Tăng trưởng hiện hữu mảng chính không thay đổi, dự trích lập 20 tỷ nợ xấu cho F-Friend và trợ giá
Điểm qua về mảng kinh doanh cốt lõi, doanh thu từ FPTshop và F-studio đạt 9.141 tỷ đồng (không đổi so với cùng kỳ năm trước), chiếm 74% tổng doanh thu. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Công ty đã mở rộng thêm 51 cửa hàng FPT mới (nhưng thấp hơn so với kế hoạch năm là 100 cửa hàng mới), nâng tổng số lượng cửa hàng lên đến 584 cửa hàng.
Được biết, tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu (SSSG) (không bao gồm bao gồm chương trình F-Friend và trợ giá điện thoại di động) vẫn giữ ở mức 1%, cho thấy ngành hàng điện thoại di động nói chung đang bão hòa. Mặc dù Công ty tích mở rộng cửa hàng và SSSG dương, doanh thu từ FPTshop và F-Studio vẫn không đổi do chương trình F-Friend và trợ giá điện thoại di động hoạt động kém hơn, SSI nhận định.
Hiện, FRT tạm thời dừng các chương trình trợ giá điện thoại vào tháng 7/2019 do một số vấn đề với nhà mạng. Trong khi đó, chương trình F-Friend dừng một tháng do sự cố kỹ thuật phần mềm Samsung Knox. Công ty bảo hiểm (chịu trách nhiệm bồi hoàn cho FRT trong trường hợp khách hàng đăng ký chương trình F-Friend và trợ giá điện thoại không thanh toán) đã dùng lý do này để không hoàn tiền cho FRT. Do vấn đề này, vào tháng 9, Công ty đã trích lập dự phòng nợ xấu 10 tỷ đồng. Trong quý 4, Công ty có thể tiếp tục trích lập dự phòng nợ xấu thêm 10 tỷ đồng cho vấn đề này.
Tựu chung, luỹ kế 9 tháng, FRT đạt doanh thu 12.427 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2018. Tương ứng lợi nhuận trước thuế 292 tỷ đồng.