Tỉ phú Gim Seong-gon, nhà sáng lập và Chủ tịch CS Wind. Ảnh: CS Wind.
Cổ phiếu của CS Wind của ông Gim Seong-gon đã tăng gấp 5 lần vào năm 2020.
Ông Gim Seong-gon hiện là một trong những người giàu nhất Hàn Quốc. 51% cổ phần của công ty mà ông sở hữu cùng gia đình được định giá 1,4 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. |
Theo Forbes, tỉ phú 67 tuổi Gim Seong-gon là doanh nhân đầu tiên trong ngành năng lượng xanh có mặt trong Top 50 người giàu nhất Hàn Quốc.
Vào cuối những năm 1980, khi đang điều hành một doanh nghiệp sản xuất thép ông Gim Seong-gon bị cuốn hút bởi năng lượng gió. Vị doanh nhân Hàn Quốc đã nhìn thấy tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này và quyết định tham gia. Ông thành lập CS Wind vào năm 1988.
Các tháp tuabin đã được thiết lập tại một trang trại gió ngoài khơi ở vùng biển cách Gochang khoảng 10 km ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Nhà phân tích Han Byung-hwa tại Eugene Investment & Securities cho biết: “Ông Gim đã nhanh chóng xác định được tiềm năng tăng trưởng trên toàn cầu. Ngành công nghiệp này đã tăng trưởng nhanh hơn các ngành kinh doanh truyền thống khác”.
Ngày càng có nhiều đầu tư được chuyển hướng sang năng lượng tái tạo, đến nỗi ngay cả các công ty dầu mỏ cũng đang đầu tư vào lĩnh vực này. Đây không phải là thành công trong một sớm một chiều mà là sự làm việc chăm chỉ và rất nhiều đổi mới trong suốt chặng đường. Các nhà đầu tư lạc quan về sự phát triển của CS Wind khi những nguồn năng lượng sạch – như năng lượng gió đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Các tuabin gió đang tạo ra ngày càng nhiều công suất trên mỗi tuabin và chi phí cho mỗi kW tiếp tục giảm. Nó báo hiệu tốt cho tương lai khi các dự đoán cho thấy năng lượng tái tạo sản xuất nhiều năng lượng hơn vào năm 2050 so với các hình thức phát điện khác cộng lại. Vào năm ngoái, năng lượng tái tạo tại EU đượ tạo ra nhiều năng lượng thực hơn cả điện hạt nhân hoặc than đá.
Theo phân tích của BNEF, với việc các chính phủ trên toàn thế giới đang thúc đẩy hướng tới môi trường xanh, gió và năng lượng mặt trời dự kiến sẽ đáp ứng 56% nhu cầu điện năng của thế giới vào năm 2050. Ở Mỹ, Tổng thống Biden muốn làm cho lưới điện của quốc gia không có carbon vào năm 2035, trong khi Trung Quốc cũng đặt kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2060 và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đồng ý cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Hồi tháng 2 năm nay, Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch đầu tư 43 tỉ USD để xây dựng nhà máy điện gió lớn nhất thế giới vào năm 2030. Năm ngoái, doanh số bán tháp gió của CS Wind tăng 21% lên 821 triệu USD nhờ các khách hàng như General Electric và Siemens Gamesa.
Hồi năm 2003, ông Gim Seong-gon đã thành lập nhà máy điện gió đầu tiên của CS Wind tại Việt Nam để tận dụng chi phí lao động thấp hơn. 5 năm sau, công ty của ông nhận được khoản đầu tư 47,2 tỉ won (43 triệu USD) từ ngân hàng Goldman Sachs, giúp công ty mở rộng ra 7 quốc gia.
Hiện, CS Wind đang vận hành các nhà máy ở nhiều quốc gia bao gồm Malaysia, Trung Quốc và Anh. Công ty cũng có kế hoạch xây dựng các nhà máy ở Mỹ.
Doanh thu tại CS Wind tăng hơn gấp đôi trong 2 năm tính đến năm 2019 và tăng 16% lên 695 tỉ won trong 9 tháng đầu năm 2020, với thu nhập ròng tăng 68% lên 49,3 tỉ won. Tuy nhiên, hơn 80% doanh số bán hàng trong quý III/2020 của CS Wind là từ 3 khách hang lớn General Electric, Siemens Gamesa và Vestas Wind Systems. Điều này khiến công ty dễ bị tổn thương nếu một trong số 3 đối tác chấm dứt mối quan hệ.
Sự chuyển đổi sang năng lượng xanh đã giúp nâng cao vận may của các công ty sản xuất mọi thứ từ xe điện, pin đến tấm pin mặt trời. Theo báo cáo của Bloomberg NEF vào tháng 1.2021, các khoản đầu tư vào các dự án và công nghệ năng lượng carbon thấp đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua lên 501,3 tỉ USD và gần 2/3 trong số đó đến từ năng lượng tái tạo – chủ yếu là năng lượng mặt trời và gió.
Theo nhịp cầu đầu tư