Theo lời mời của Quốc vương Ả Rập Saudi Salman Bin Abdelaziz, ba Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên đoàn Ả Rập (AL), Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã được tổ chức cùng một lúc trong hai ngày 30-31/5/2019 tại thành phố thánh địa Mecca của Ả Rập Saudi. Đây là sự kiện hiếm có khi ba hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào cùng một thời gian tại cùng một địa điểm.
Điều có ý nghĩa hết sức đặc biệt là các hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức trong tháng Ramadan của người Hồi giáo. Các nhà quan sát cho rằng việc chọn thời gian và địa điểm này không phải ngẫu nhiên nà là để gắn thêm trách nhiệm cho những người tham gia hội nghị đối với những nghị quyết được thông qua.
Đáng lưu ý Thủ tướng Qatar Abdul Bin Nasser Al-Thani lần đầu tiên đã tham gia hội nghị sau hai năm bị Ả Rập Saudi, Bahrain, UAE và Ai Cập tẩy chay, cắt đứt quan hệ.
Vì sao Ả Rập Saudi triệu tập ba hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào thời gian này?
Các hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức trong bối cảnh tình hình Trung Đông nói chung và vùng Vịnh nói riêng đang hết sức căng thẳng và đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Có thể nói Trung Đông chưa bao giờ trải qua tình hình hỗn loạn và bất ổn như hiện nay.
Quốc vương Ả Rập Saudi Salman Bin Abdelaziz. Ảnh: Bandar Algaloud
Tháng 5/2018, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Thoả thuận hạt nhân (JCPOA) ký giữa Iran với các nước P5+1. Tiếp theo đó, Washington đã đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính khắc nghiệt chưa từng có chống Tehran, mà đỉnh cao là cấm vận hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ Iran tháng 5/2019. Nhằm tăng cường sức ép lên Tehran, Mỹ tuyên bố liệt kê Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố, đưa một lực lượng quân sự và phương tiện chiến tranh lớn đến khu vực vùng Vịnh, đe doạ tấn công Iran.
Đáp lại, Iran đã đưa ra các tuyên bố hết sức cứng rắn, nếu bị tấn công, họ sẵn sàng đánh trả vào các lợi ích của Mỹ ở khu vực, kể cả việc đóng cửa eo biển Hormuz. Tehran cũng coi Bộ Tư lệnh Trung tâm các lực lượng vũ trang của Mỹ ở Trung Đông (CENTCOM) là tổ chức khủng bố. Các tàu chở dầu ở ngoài khơi cảng Fujairah của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bị tấn công. Các lực lượng Houthi dùng máy bay không người lái đánh vào hai trạm bơm dầu của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco thuộc ngoại ô Thủ đô Ryahd của Ả Rập Saudi.
Các cuộc xung đột kéo dài vẫn đang hoành hành, tàn phá ở Yemen, Syria, Libya, Iraq…..Chính quyền Mỹ đang tìm cách xoá bỏ vấn đề Palestine thông qua cái gọi là “Thoả thuận thế kỷ” và chuẩn bị tổ chức một cuộc hội thảo “Hoà bình vì sự thịnh vượng” tại Bahrain vào cuối tháng Sáu tới. Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và một số nước vùng Vịnh kéo dài hơn hai năm nay vẫn chưa nhìn thấy triển vọng giải quyết.
Tình hình khu vực phức tạp chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ như vậy, nhưng Ả Rập Saudi cho rằng sự leo thang căng thẳng hiện nay là do các hành động gây hấn của Iran. Mục tiêu chính của các hội nghị thượng đỉnh này là nhằm thảo luận tình hình an ninh trong khu vực, tập trung vào các biện pháp chống “chính sách gây mất ổn định” của Iran.
Tuyên bố cuối cùng của AL và TOIC nói gì?
Các quốc gia Ả Rập (trừ Iraq) đã bày tỏ sự đoàn kết hoàn toàn trong việc chống lại Iran và ủng hộ mọi hành động của Ả Rập Saudi nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình. Điều này được nêu trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên đoàn Ả Rập được tổ chức tại Mecca ngảy 30/5/2019. Tuyên bố này không được phái đoàn Iraq ủng hộ. Iraq cho rằng, căng thẳng với Iran không có lợi cho việc làm dịu tình hình cũng như hoà bình, ổn định ở khu vực và có thể gây ra một cuộc chiến tranh huỷ diệt.
Ba Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên đoàn Ả Rập (AL), Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã được tổ chức cùng một lúc trong hai ngày 30-31/5/2019tại thành phố thánh địa Mecca.
Tuyên bố lên án “các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất từ lãnh thổ Yemen vào Ả Rập Saudi của dân quân Houthi thân Iran, coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ả Rập Saudi, đồng thời khẳng định quyền của Ả Rập Saudi bảo vệ lãnh thổ của mình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc.”
Tuyên bố cũng lên án sự can thiệp của Iran vào các vấn đề nội bộ của Vương quốc Bahrain, phản đối Iran tiếp tục chiếm đóng ba hòn đảo của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và ủng hộ tất cả các biện pháp hòa bình của UAE để khôi phục chủ quyền đối với các đảo bị chiếm đóng.
Về vấn đề Syria, tuyên bố đã lên án “sự can thiệp của Iran vào cuộc khủng hoảng Syria, cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với tương lai, chủ quyền, an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.
Riêng Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 31/5/2019 đã ra Tuyên bố Mecca với nội dung tích cực hơn. Tuyên bố đưa ra 12 nguyên tắc nhằm củng cố và tăng cường hợp tác giữa các nước Hồi giáo, không có nội dung nào chống Iran.
Tuyên bố coi vấn đề Palestine là vấn đề cốt lõi của dân tộc Hồi giáo, đòi chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các lãnh thổ Ả Rập và Palestine từ năm 1967 theo các nghị quyết của quốc tế, khẳng định tình đoàn kết hoàn toàn với nhân dân Palestine và quyền của họ được sống trong một Nhà nước độc lập có chủ quyền với Thủ đô là Jerusalem.
Các hội nghị thượng đỉnh Mecca không giải quyết được các vấn đề bất đồng giữa các nước khu vực
Nhiều nhà quan sát chính trị đã hy vọng kết quả của ba hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Ả Rập Saudi sẽ có các biện pháp chấm dứt sự chia rẽ giữa các nước Ả Rập đối với một số vấn đề khu vực. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Nhiều nhà bình luận cho rằng các hội nghị thượng đỉnh Ả Rập và vùng Vịnh tập trung vào chống Iran, trong khi Mỹ là nguyên nhân chính gây ra tình hình hỗn loạn và căng thẳng hiện nay tại khu vực. Tuyên bố của các hội nghị này không hề đả động gì đến việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, sáp nhập cao nguyên Golan của Sirya vào lãnh thổ Israel, cuộc chiến chống người Palestine ở dải Gaza và đưa ra kế hoạch “Thoả thuận thế kỷ” nhằm xía bỏ vấn đề Palestine…..Đây là những vấn đề cốt lõi của khu vực Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Iran đã nhanh chóng lên án và bác bỏ bản tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, cho rằng tuyên bố này không phản ánh ý kiến của tất cả các nước tham dự. Iran nêu rõ đây là kế hoạch của Ả Rập Saudi nhằm tập hợp lực lượng và bổ sung cho các cố gắng của Mỹ và Israel chống Iran.
Ngay tại phiên bế mạc, phái đoàn Iraq đã phản đối Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị mang nội dung chống Iran.
Bộ Ngoại giao và Syria đã ra tuyên bố bác bỏ mạnh mẽ nội dung nêu trong Tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh Ả Rập lên án “sự can thiệp của Iran vào các vấn đề nội bộ của Syria.” Syria khẳng định sự hiện diện của Iran tại Syria là hợp pháp theo yêu cầu của chính phủ Syria nhằm hỗ trợ Damascus trong cuộc chiến chống khủng bố. Bộ Ngoại giao Syria nêu rõ, lẽ ra Hội nghị cần lên án sự can thiệp bất hợp pháp, ủng hộ các nhóm khủng bố của các quốc gia khác tại Syria nhằm kéo dài cuộc xung đột.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài hai năm nay gây ra sự rạn nứt lớn, đe doạ sự tồn tại của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia vùng Vịnh. Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Bahrain và Ai Cập tháng 6/2017 đã cắt đứt quan hệ với Qatar với lý do Qatar có quan hệ tốt với Iran, trong khi Kuwait và Oman giữ thái độ trung lập và làm trung gian hoà giải để chấm dứt khủng hoảng.
Cuộc chiến ở Yemen bước vào năm thứ tư, cũng là vấn đề gây ra sự chia rẽ Ả Rập trong những năm qua. Tháng 3/2015, Morocco đã rút khỏi liên minh do Saudi dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại người Houthi, đến nay hàng ngàn người đã bị giết, hơn ba triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Ở Sudan gần đây nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra đòi rút lực lượng Sudan khỏi liên minh chống Yemen, nhưng Hội đồng quân sự chuyển tiếp khẳng định lực lượng Sudan tham gia cuộc chiến “sẽ vẫn ở lại cho đến khi liên minh đạt được mục tiêu”.
Kế hoạch của Mỹ nhằm giải quyết vấn đề Palestine được gọi là “Thoả thuận thế kỷ” cũng là một trong những vấn đề gây chia rẽ giữa các nước Ả Rập. Các nước Ả Rập, trước hết là các nước vùng Vịnh đang tìm cách cô lập Jordan về kinh tế và chính trị do Jordan không ủng hộ kế hoạch này.
Tuyên bố cuối cùng của Thượng đỉnh các nước Ả Rập khẳng định tình đoàn kết với Ả Rập Saudi chống Iran chỉ là bề nổi. Việc khôi phục đoàn kết Ả Rập nói chung còn cần những cố gắng và công việc to lớn hơn rất nhiều.
Mặc dù căng thẳng, Iran đã đề nghị đối thoại và ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với các nước Ả Rập, Tổng thống Mỹ D. Trump cũng khẳng định mong muốn đối thoại với Tehran và không có ý định thay đổi chính quyền Iran.
Về phần mình, Nhà vua Salman Bin Abdelaziz của Ả Rập Saudi nói: “Vương quốc Ả Rập Saudi rất quan tâm đến an ninh và ổn định của khu vực, tránh tai họa chiến tranh, khôi phục lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho tất cả các nước khu vực, kể cả Iran. Ả Rập Saudi sẽ luôn mở rộng hòa bình và tiếp tục ủng hộ mọi nỗ lực để duy trì an ninh và ổn định”.
Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (AL) Ahmed Abu Gheit nói rằng “Liên đoàn Ả Rập không thúc đẩy đối đầu ở khu vực vùng Vịnh, mà kêu gọi khôi phục sự ổn định và bình yên ở khu vực.”
Những vấn đề tích tụ lâu nay của khu vực Trung Đông và vùng Vịnh không dễ gì giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiẻn, những tuyên bố hoà dịu trên đây là những tín hiệu tích cực mang theo luồng gió mát tốt lành thổi vào khu vực đang nóng bỏng.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại
Theo Trithuctre