Ở tuổi 23, khi nhiều cầu thủ còn đang loay hoay tìm kiếm định hướng phát triển, Nguyễn Quang Hải đã có mùa thứ 5 thi đấu ở V-League, đoạt mọi danh hiệu quốc nội cùng CLB Hà Nội, vô địch AFF Cup cùng tuyển Việt Nam, đứng hạng nhì châu lục lứa U23 và dự U20 World Cup. Trên phương diện cá nhân, Quang Hải đã giành Quả bóng vàng Việt Nam và danh hiệu Cầu thủ hay nhất V-League.
Những thành tựu suốt 3 năm qua đủ nâng bước Hải “con” vào ngôi đền huyền thoại. Sự khác biệt của Quang Hải so với phần còn lại là gì? Và cầu thủ sinh năm 1997 sẽ còn tiến xa đến đâu so với các tiền vệ đẳng cấp của bóng đá Việt Nam?
Quang Hải có cái đầu lạnh và bản lĩnh hơn người. Được rèn luyện qua nhiều cấp độ trẻ, nếm trải cả cay đắng lẫn vinh quang nên Hải hiếm khi bị ngợp trước áp lực. Ảnh: Minh Chiến. |
Sự lạnh lùng của Quang Hải đã được rèn luyện và bộc phát từ ngày tiền vệ gốc Đông Anh còn ăn tập ở Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội. Nguyên giám đốc trung tâm, ông Phan Anh Tú, khẳng định Quang Hải là “viên ngọc quý” và cho thấy rõ sự khác biệt so với các cầu thủ cùng lứa.
“Từ lúc U11, Quang Hải đã bộc lộ sự độc đáo so với cầu thủ cùng trang lứa. Năng khiếu, khả năng chơi bóng của cậu ấy ở Đội Nhi đồng Hà Nội gây ấn tượng cho nhiều HLV. Quang Hải rất nhanh nhẹn, dứt khoát. Thường là trẻ con độ tuổi ấy chỉ khéo về mặt vận động thôi, còn Quang Hải rất mạnh, dứt khoát, thời điểm đó đối với trẻ con thì đã là sự đặc biệt.”
“Hải ngay từ bé đã thể hiện được sự chững chạc, không có sự bốc đồng quá mức. Có những cầu thủ trẻ hay bốc đồng, cũng có đứa thất bại thì ỉu xìu đi, song Quang Hải có sự ‘lạnh’ và chịu khó quan sát, không sôi nổi, cũng không bi lụy, luôn tập trung cho công việc. Đó là tố chất cần thiết của bóng đá”, ông Tú chia sẻ.
Những khoảnh khắc đẹp mà Quang Hải tạo ra trong 2 năm qua không hề ít. Đó là pha hãm bóng bình tĩnh, ngoặt một nhịp và cứa lòng hiểm hóc vào lưới U23 Qatar, cú đá phạt vẽ nên đường “cầu vồng” trong cơn mưa tuyết ở Thường Châu, pha vặn lưng kiến tạo đẳng cấp cho Nguyễn Anh Đức sút tung lưới Malaysia hay pha ngả người ghi bàn điệu nghệ cũng vào lưới Malaysia.
Phẩm chất kỹ thuật, sự khéo léo và tinh tế giúp Hải “con” ghi nhiều bàn thắng đẹp, nhưng nếu chỉ nhanh và khéo, bóng đá Việt Nam không thiếu đại diện. Trên tất cả, Quang Hải có cái đầu lạnh đến mức đáng nể. Nhờ tinh thần thép, Hải hiếm khi mất bình tĩnh và luôn là người giải nguy kịp thời khi đội bóng gặp khó khăn.
“Quang Hải là cầu thủ rất lạnh, dù tình huống đó khiến Hải gặp khó khăn, gặp áp lực hay đội ở tình cảnh khó khăn, Hải vẫn luôn chơi theo cách của mình, đúng như những gì cậu ấy chuẩn bị. Các cầu thủ khác có thể ‘cóng chân’ khi đội nhà bất lợi, nhưng Quang Hải thì không như thế. Cậu ấy chỉ chơi không như mong muốn nếu thể lực đi xuống.”
“Khi đội chiến thắng, Hải cũng không ăn mừng quá phấn khích. Hải vừa khôn khéo, vừa lạnh và giữ được sự cân bằng về cảm xúc. Đó là yếu tố rất quan trọng của một cầu thủ lớn. Hải tự biết cân bằng cảm xúc, dù vui, dù buồn, nhưng luôn giữ được sự tự tin. Sức mạnh nội tâm của Hải lớn đến mức gần như không bao giờ nao núng tinh thần. Đó là cầu thủ rất bản lĩnh”, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa nói với Zing.
Quang Hải là cầu thủ hiếm hoi sau giải U23 châu Á 2018 vẫn giữ được sự tiến bộ dù tận hưởng cuộc sống siêu sao khi còn trẻ và luôn bị soi mói, để ý. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong thể thao, sức mạnh tâm lý quan trọng không kém sức mạnh thể chất hay kỹ thuật. Bóng đá Việt Nam từng nhiều lần ngậm đắng nuốt cay trước ngưỡng thiên đường như cú ngã ở SEA Games 2003, 2009 hay AFF Cup 2014, 2016.
Để có được sự cân bằng về cảm xúc, cầu thủ cần có sự tôi luyện trong bão lửa. Lứa tài năng xuất chúng với Quang Hải là đại diện chính là những cầu thủ giỏi kiểm soát cảm xúc kiểu như vậy.
Cái đầu “lạnh” không chỉ giúp Hải đứng vững trên sân, mà còn giữ được đôi chân trên mặt đất. Dù bước lên chiếc bập bênh phù hoa, Quang Hải không cho thấy dấu hiệu thỏa mãn, sa ngã và trượt dài trên sườn dốc danh vọng như nhiều thế hệ trước.
HLV Chu Đình Nghiêm từng dành hai chữ “cầu tiến” để nói về Quang Hải. Trong mắt chiến lược gia của CLB Hà Nội, Hải “Con” không bao giờ tự hài lòng với bản thân và để những lời khen làm xao nhãng. Quang Hải luôn nỗ lực tự làm mới mình, tự hoàn thiện và đặt tiêu chuẩn cao hơn mỗi khi đạt được một thành tựu nào đó.
Nhờ sự cầu tiến và tỉnh táo, Quang Hải tiến bộ vượt bậc chỉ trong vài năm. Cũng nhờ định lượng đúng giá trị bản thân, Hải là một trong số ít cái tên bước ra từ trang sử Thường Châu còn giữ được đà thăng tiến trên sân cỏ và không vướng phải điều tiếng về đời tư.
Ở tuổi 23, Quang Hải đã nằm trong nhóm những tiền vệ hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc. |
Vị trí nào cho Quang Hải trong dòng chảy lịch sử?
Về cả mặt thành tích cá nhân và tập thể, Quang Hải chắc chắn là một trong những tiền vệ hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Dẫu vậy, một số chuyên gia cho rằng so sánh Quang Hải với các tiền vệ đàn anh là không cần thiết. Bối cảnh lịch sử cụ thể sẽ nảy sinh con người cụ thể, nên Quang Hải, Hồng Sơn, Minh Phương đều có những cái đặc trưng và đẳng cấp không trộn lẫn.
“So sánh cầu thủ thì phải so sánh trong thế hệ, môi trường bóng đá và độ tuổi của họ. Với thế hệ vàng, Hồng Sơn là tiền vệ tài hoa, xuất chúng. Minh Phương, Quang Hải cũng vậy. Để đánh giá những tiền vệ như vậy, giới chuyên môn và người hâm mộ luôn đánh giá ai là người tạo ra nhiều xúc cảm nhất”.
“Trong bóng đá, có những người đá hiệu quả nhưng chưa chắc tạo được xúc cảm. Một trung vệ đá chắc chắn như Duy Mạnh, tiền vệ trụ như Đức Huy có thể hiệu quả, nhưng để tạo xúc cảm thì phải là những tiền vệ tài hoa với những đường chuyền ‘sát thủ’ hay những pha dứt điểm từ xa. Mẫu cầu thủ như thế dễ tạo ra cảm xúc cho người xem.”
“Cách chơi của Quang Hải, Hồng Sơn có tính nghệ thuật nên dễ tạo cảm xúc và khiến người xem nhớ rất lâu. Quang Hải còn trẻ, tạo được tiếng tăm, xúc cảm và vị trí trong lòng khán giả như vậy là rất giỏi”, ông Tú phân tích với Zing.
BLV Vũ Quang Huy cũng cho rằng Quang Hải và Hồng Sơn đều có cái hay riêng, phong cách chơi cũng khác nhau nên sự so sánh là khập khiễng. Hải có những đặc trưng Hồng Sơn không có, và ngược lại, cựu cầu thủ Thể Công cũng sở hữu tố chất đàn em phải học hỏi.
Quang Hải được các chuyên gia nhận định có thể tiến xa hơn nữa nếu được thi đấu ở môi trường thuận lợi và không ngừng phát triển bản thân. Ảnh: Minh Chiến. |
“Quang Hải có cách chơi hiện đại, không cần cầm bóng nhiều, không hay đột phá như Hồng Sơn. Quang Hải luôn xuất hiện đúng lúc, chạm bóng ít nhưng hiệu quả. Hải ở tuổi này đá như thế đã là tuyệt vời rồi. Còn nếu nói Hồng Sơn có gì mà Quang Hải chưa có được thì đó là khả năng đột phá. Khi đội nhà mất thế trận, Sơn có thể lùi xuống và tạo ra khác biệt. Quang Hải đá ở trên, thi thoảng được kéo lùi về nhưng để mang lại sự bình ổn thôi. Còn với Hồng Sơn, cậu ấy có thể cầm bóng vượt qua một người và ‘chuyền phát ăn ngay’. Hồng Sơn tạo được đột biến về kỹ thuật, cái này ở Hải thì không rõ lắm.”
“Quang Hải vẫn thiên về đá tấn công ở phía trên, sử dụng khả năng cầm bóng để điều tiết nhịp độ thôi, còn trong vai trò tạo đột biến và chất nhạc trưởng, lĩnh xướng hàng công thì không rõ như Hồng Sơn hay Minh Phương sau này. Dù vậy, Hải lại có cái hay riêng với lối đá rất tỉnh táo, ít chạm và luôn biết cách đưa bóng vào lưới đối phương”, BLV Quang Huy khẳng định.
Sau cùng, một trong những yếu tố để không cần đặt ra tương quan so sánh lý tính, là không ai trong chúng ta có thể biết Quang Hải sẽ đi xa đến đâu. Ở tuổi 23, Hải có thể đá đỉnh cao 10 năm nữa và có nhiều cơ hội gặt hái danh hiệu, nhất là khi Hải đang thi đấu với những đồng đội tài năng và tuyển Việt Nam vẫn đang ở độ cực thịnh.
Quang Hải vẫn hay, nhưng sẽ còn hay hơn nữa và đạt đến đỉnh cao mới, thậm chí chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam. “Quang Hải còn nhiều cơ hội để bộc lộ bản thân, nhưng phải giữ đôi chân trên mặt đất, rèn luyện liên tục và nhớ đây chưa phải đỉnh cao của mình. Hải có thể đạt được gấp 3-4 lần như thế nữa. Phải nhớ mục đích phấn đấu. Nếu nghĩ đây là đỉnh cao rồi thì rất nguy hiểm, bất lợi. Hải mới đi 1/3 chặng đường.
Ở giai đoạn cuối, các cầu thủ tài hoa nhất phải là đầu tàu để dìu dắt thế hệ trẻ. Liệu 5-7 năm nữa, Quang Hải có phải đầu tàu lôi kéo thế hệ sau không. Hải mới đi được 1/3 sự nghiệp, 1/3 tiếp theo là đỉnh cao và 1/3 cuối là thời gian dìu dắt các thế hệ đàn em.
Một đội bóng luôn phải có 2-3 thế hệ, gồm thế hệ già, thế hệ sung sức và thế hệ trẻ. Lớp già sẽ dùng bản lĩnh và kinh nghiệm để dìu dắt lứa sung sức và lứa trẻ. Đến giai đoạn cuối, Hải sẽ là đầu tàu, tương lai phải là như thế. Cậu ấy còn hai phần nữa để phấn đấu và còn phải rèn luyện, nỗ lực nhiều. Mọi so sánh là hơi sớm, không nói trước được gì vì bóng đá có rất nhiều rủi ro”, ông Tú kết luận.