Bạn đã từng bắt gặp hình ảnh bà mẹ trẻ tất tả đón con từ cổng trường, ăn tạm bữa phụ rồi lại vội vã đến lớp học thêm piano hay vẽ? Phần lớn những đứa trẻ thành phố hiện nay đều có lịch học kín cả tuần từ chính khóa cho đến các môn năng khiếu. Các ông bố bà mẹ dành lượng thời gian vô tận để giúp con mình nắm vững những kỹ năng mới, nhưng lại quên mất một sự thật rằng, việc con trẻ quản lý cảm xúc của mình là một kỹ năng chúng cần học và luyện tập.

Thật không may, chúng ta đang sống trong một xã hội chứa đầy một thứ mà các nhà tâm lý học gọi là ảnh hưởng rối loạn, ngay cả những người lớn không thể điều hoà được cảm xúc của mình. Họ cắn môi, họ hét, họ gọi những tên tục, và luôn đổ lỗi. Thế nên dù có được học nhiều thứ mới mẻ hay ho nhưng không ít đứa trẻ chán nản, lạc lối.

Đây chính là lý do thôi thúc 2 cô gái trẻ Nguyễn Thúy Uyên Phương và Nguyễn Thị Thu Thủy thành lập ngôi trường ngoại khóa có tên Tomato Children’s Home.

Triết lý cà chua và một xã hội khủng hoảng niềm tin

Cùng đọc câu chuyện Totochan bên cửa sổ cũng như chứng kiến việc tuổi thơ của phần lớn trẻ em xung quanh bị cuốn đi bởi học hành, những khóa học kỹ năng bên ngoài nhưng không được phát triển tâm hồn bên trong, hai cô gái Phương và Thủy quyết định thành lập một ngôi trường khác với những ngôi trường khác: Tập trung vun đắp, bồi dưỡng cảm xúc, tâm hồn cho các bé. Năm 2013, Tomato Children’s Home ra đời.

“Khi trái cà chua chín sẽ chín từ trong ra ngoài và có màu đồng nhất. Mình muốn đứa trẻ khi lớn lên cũng sẽ phát triển đồng nhất từ trong tâm hồn đến bề ngoài của các bé”, chị Thủy lý giải việc lựa chọn hình ảnh trái cà chua làm tên gọi của trường.

Không phải bơi, vẽ, múa,... đây mới là thứ bố mẹ cần cho con học nếu muốn chúng LÀM CHỦ cuộc đời mình - Ảnh 1.

Không khí học vui vẻ tại Tomato.

Vốn là phó giám đốc trường doanh nhân PACE, chị Phương có nhiều kinh nghiệm về giáo dục nhưng luôn trăn trở một điều rằng “trong một con người 20-21 tuổi có những thứ vẫn có thể sửa được, bồi đắp được nhưng có những thứ cho dù cố đến mấy cũng không sửa được, nó ăn sâu vào tiềm thức người ta rồi”. Do đó chị muốn bắt đầu sớm hơn để tạo ra những thay đổi tốt hơn và Tomato Children’s Home ra đời sau khi hoàn tất học bổng về giáo dục tại Mỹ.

Chứng kiến sự nở rộ của những khóa học kỹ năng dành cho trẻ em gần đây, chị Phương cho rằng đây vừa là điều tốt vừa là điều đáng lo ngại. Mặt tốt sự chuyển biến của nhận thức xã hội khi các bậc cha mẹ ngày nay quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển toàn diện của con, điểm số tại trường học không còn là thang đo duy nhất đánh giá con người.

Tuy nhiên điều này cũng phản ánh thực trạng đáng buồn hiện nay: Khủng hoảng niềm tin của phụ huynh vào giáo dục chính thống tại Việt Nam. Theo chị Phương, những trường như Tomato ở Mỹ không nhiều bởi hệ thống trường chính khóa đã làm luôn việc dạy kỹ năng cho học sinh.

Trả lại tuổi thơ cho con trẻ

Không có bảng đen, bàn ghế như những trường học khác, thay vào đó là không gian ấm áp như ở nhà. Hai nhà sáng lập Tomato xây dựng chương trình học nhằm bồi dưỡng tâm hồn cho các em thông qua cách ứng xử giao tiếp với bạn bè và người lớn. Tùy theo từng độ tuổi, các em sẽ được chia ra những lớp khác nhau. Các em được học những bài học tưởng chừng đơn giản như kết bạn, nói cảm ơn, xin lỗi nhưng lại là những điều quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của các bé.

Hiện 3 cơ sở tại Tp. Hồ Chí Minh của Tomato triển khai 9 khóa học như Bé thông minh cảm xúc, tự tin làm chủ cuộc đời, tiếng anh mầm non,…hàn gắn yêu thương (dành cho trẻ em có gia đình không trọn vẹn).

Hoạt động của Tomato có thể được tóm tắt ngắn gọn là nhằm bổ khuyết cho các em những gì quan trọng nhưng chưa được trang bị đầy đủ ở môi trường học tập chính khóa cũng như ở gia đình hiện nay.

Không phải bơi, vẽ, múa,... đây mới là thứ bố mẹ cần cho con học nếu muốn chúng LÀM CHỦ cuộc đời mình - Ảnh 2.

Với bức tường đặc biệt này, các bé có thể chơi trò “đố hát”.

“Mình hướng dẫn các bé 2 mặt của cảm xúc: tích cực và tiêu cực. Khi cảm xúc tích cực thì con làm gì, tiêu cực thì con làm gì. Và hành động tiêu cực của con dẫn đến hậu quả thế nào và con có chọn các kết quả tiêu cực đó hay không. Các bé tự nhận thức vấn đề. Và khi lớn lên các bé nhận ra được mình nên làm thế nào để được như những gì mình mong muốn”, chị Thủy chia sẻ về cách dạy trẻ em quản lý cảm xúc tại Tomato. Đó là những gì các em cần biết để làm chủ bản thân, làm chủ việc học, làm chủ tương lai. Đó còn là những gì mà các em cần có để làm giàu cho đời sống tâm hồn tình cảm của mình, trở thành những con người hiếu thảo, biết sẻ chia, biết yêu thương.

Tuy nhiên mức học phí tại Tomato không hề rẻ khi rơi vào khoảng 900 nghìn đồng đến 3,2 triệu đồng tùy từng khóa học. Đây cũng là điều mà nhà sáng lập Uyên Phương trăn trở bởi đây là mô hình chị muốn càng nhiều người tiếp cận càng tốt. Tuy nhiên chị cũng nhận định nhiều khi mức giá rẻ chưa chắc đã chọn đúng đối tượng quan tâm thực sự tới ý nghĩa của chương trình học.

Hãy là tấm gương cho con

Việc cho con học những kỹ năng mới mẻ như tại Tomato góp phần nào trong việc vun đắp tâm hồn cho thế hệ tương lai nhưng môi trường gia đình mới thực sự là nơi quyết định chính. Bạn không thể đòi hỏi con trẻ vui vẻ, hạnh phúc, tích cực trong khi mình lặp lại xu hướng hành xử tiêu cực. Bạn phải trở thành tấm gương trước khi có thể dạy bài học cho con cái.

Vậy bạn có thể làm gì để dạy con quản lý cảm xúc, sau đây là một số cách mà chỉ ra:

– Bao dung/chịu đựng (tolerate) những cảm xúc tiêu cực của con mình mà không vội vàng lao vào giúp chúng xử lý hoặc dồn thêm cho con những cảm xúc của chính mình.

– Nếu bạn đối xử với con cái theo kiểu chúng thật “mỏng manh”, chúng sẽ tiếp tục mỏng manh như vậy.

– Bạn phải TRỞ THÀNH tấm gương trước khi bạn có thể DẠY bài học.

– Đồng cảm với cảm xúc của con – đừng phủ nhận chúng.

– Tự hỏi bạn thân điều đó có nghĩa thế nào với bạn. Đừng lẫn lộn nhu cầu của mình với nhu cầu của trẻ.