Với tỷ lệ tuyển vào trường công lập chiếm 62%, ước tính, có khoảng 23.000 học sinh không đủ điều kiện vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là thống kê một cách cơ học. Trên thực tế đã có rất nhiều thí sinh trong tổng số 23 ngàn thí sinh trên đã chủ động chọn con đường khác. Với các em, vẫn đang có nhiều lối rẽ phù hợp với năng lực và sở thích của chính mình.
Giọt nước mắt trong mùa tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội
Khi học phí rẻ trường công không còn là lợi thế
Liên tục 4 năm là học sinh giỏi thuộc top đầu một trường công lập có tiếng tại quận Cầu Giấy nhưng Hoàng Long đã không đăng ký vào bất kỳ một trường THPT công lập ” trong mơ” nào của học sinh Thủ đô. Từ cuối tháng 4, được sự ủng hộ của gia đình, em đã nộp hồ sơ xét tuyển vào trường THCS&THPT dân lập Lương Thế Vinh. Lý do mà bạn trẻ này thuyết phục gia đình là: “Lương Thế Vinh là trường tư thục nhưng thành tích học tập trong các kỳ thi đại học trước đây hay THPT quốc gia hiện nay đều khá cao. Nhà trường nổi tiếng với triết lý dạy thật – học thật nên các bạn bè vào trường đều là những bạn nghiêm túc, ngoài học thầy còn học bạn”. Còn mẹ của em, chị Phạm Thị Hiền cho biết: “Ban đầu gia đình cũng băn khoăn vì mức học phí sẽ cao hơn công lập nhưng sau chúng tôi biết nhà trường hạn chế học thêm dạy thêm nên đâu cũng vào đó cả thôi. Các điều kiện cơ sở vật chất hay môi trường học tập đều phù hợp với mức đóng góp”.
Mùa tuyển sinh luôn nóng tại trường THCS&THPT Lương Thế Vinh
Theo kế hoạch ngày ngày 6/6/2019 sẽ kết thúc thu đơn dự tuyển vào trường Lương Thế Vinh nên nhiều phụ huynh và học sinh đã chủ động đăng ký xét tuyển cho con từ trong tháng 5. Năm nay, tổng hồ sơ phát hành tại cả 2 cơ sở A và cơ sở 1 của nhà trường là 4000 bộ.
Năm nay, THPT Lương Thế Vinh căn cứ vào điểm thi môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Lịch sử của học sinh lớp 10 trong kỳ thi tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội. Điều kiện trúng tuyển vào trường là học sinh đạt điểm chuẩn mà nhà trường đề ra. Trong đó, điểm tiêu chuẩn học bạ ban A (Toán, Vật lý, Hóa học), ban A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), ban D (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) có điểm tổng kết từ 7,5 điểm trở lên.
Các đợt tuyển sinh vào lớp 10 và phương thức phân lớp sẽ diễn ra trong hai đợt. Đợt 1, trường sẽ công bố điểm chuẩn, lịch trình tuyển sinh, dự kiến cùng thời gian với trường công lập. Đợt 2, trường sẽ công bố chính thức sau khi tuyển đợt 1 (nếu còn chỉ tiêu tuyển sinh). Sau kỳ khảo sát chất lượng đầu năm, học sinh sẽ được phân bổ về lớp theo kết quả được công bố.
Trường THPT dân lập vẫn luôn là cánh cửa sáng
Tại Hà Nội thì trường THCS và THPT Lương Thế Vinh là ngôi trường dân lập đầu tiên được thành lập. Từ những ngày đầu, nhà trường luôn kiên trì mục tiêu đào tạo là “giáo dục toàn diện cho học sinh thi đỗ tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nhất cho học sinh thi đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng”. Phương châm của nhà trường là học không phải để lấy điểm, để lấy kiến thức đơn thuần mà học để có kỹ năng thu nhận kiến thức, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng xử lý và khả năng thích ứng toàn cầu. Sau hơn 20 năm phát triển với những thành tích đạt được, trường THPT Lương Thế Vinh đã được xã hội đánh giá cao và trở thành “thương hiệu niềm tin”. Từ những năm đầu thành lập, địa điểm học phải đi thuê mượn với những khó khăn, vất vả về cơ sở vật chất nhưng đến nay trường đã có cơ ngơi khang trang tại 2 cơ sở Nam Trung Yên và Tân Triều.
Năng động, tự tin là phong cách chung của học sinh dân lập
Những năm gần đây, cùng với Lương Thế Vinh nhiều trường THPT tư thục khác cũng ra đời, một phần đáp ứng nhu cầu học tập trong điều kiện chất lượng cao của học sinh một phần chia sẻ áp lực quá tải cho giáo dục Thủ đô với số lượng chỉ tiêu tuyển sinh không hề nhỏ.
Thống kê của TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Tổng giám đốc Công ty Giáo dục FPT, cho thấy: Tổng chỉ tiêu lớp 10 cho 94 trường THPT ngoài công lập Hà Nội năm học 2019-2020 là gần 21.825. Chỉ tiêu lớp 10 của trường ngoài công lập ở Hà Nội chiếm 25% tổng chỉ tiêu. Đây là một con số rất lớn (4 học sinh có 1 học ngoài công lập) trong bối cảnh tỷ lệ học sinh THPT ngoài công lập cả nước chưa đến 10%. Top 3 trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất 2019 là Lương Thế Vinh, THPT FPT và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Những giờ học ngoại khoá tại trường THCS&THPT Lương Thế Vinh
Chấp nhận đóng một khoản học phí cao hơn nhiều so với trường công lập nhưng đa số phụ huynh tại các trường dân lập đều cho rằng đây là sự đầu tư xứng đáng. Anh Minh Tâm, một phụ huynh tại quận Từ Liêm cho rằng: “Về chương trình chung các con không thua kém học sinh trường công nhưng cái hơn là các trường tư thục có thêm rất nhiều chương trình về ngoại ngữ, về kỹ năng sống. Các con được rèn luyện để năng động, tự tin, tự chủ sẵn sàng bước vào cuộc sống khi rời khỏi nhà trường.”.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tự chủ tài chính, THPT ngoài công lập thực hiện xét tuyển. Do đó, nhà trường quyết định chọn một trong hai phương án tuyển sinh sau:
Phương án 1: Xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2019-2020.
Phương án 2: Xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS.
Ngoài phương thức xét tuyển theo một trong hai phương án nêu trên, các trường tuyệt đối không được tổ chức thi tuyển hay sử dụng một phương thức khác để tuyển sinh.
Các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập phải báo cáo Sở GD&ĐT kế hoạch tuyển sinh của trường, trong đó nếu rõ phương án tuyển sinh trường lựa chọn để thực hiện trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2019-2020.