Mới đây, một số hiệp hội tư nhân và một số cá nhân đã kiến nghị yêu cầu giám đốc thẩm đối với bản án hình sự tai biến chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (đọc tại đây). Bộ Y tế cũng đã tìm ra chứng cứ mới để tranh luận công khai làm sáng tỏ cái chết của 8 nạn nhân.

Báo Trí thức trẻ đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (TTB&CTYT) về những vấn đề khoa học chưa được làm rõ trước toà.

PV: Thưa TS. Lê Thanh Hải, là một người có chuyên môn về trang thiết bị và công trình y tế, ông cho rằng nguyên nhân cái chết của 8 nạn nhân trong tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình còn điều gì chưa sáng tỏ?

TS. Lê Thanh Hải: Trước tiên, tôi xin khẳng định tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là một thảm hoạ.

Trong Y văn chưa từng ghi nhận sự cố y khoa nào gây chết số lượng người lớn đến thế. Việc tìm ra nguyên nhân khoa học không những giúp cho ngành y tế Việt Nam kiểm soát rủi ro cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo mà còn giúp cho y khoa thế giới bài học đắt giá.

Tuy nhiên, hiện nay nguyên nhân cái chết của 08 nạn nhân trong tai biến đó vẫn là một dấu hỏi lớn cần được làm rõ.

Trong nội dung cáo trạng, kết quả điều tra, bản án đã đưa ra kết luận về hàm lượng a xít HCL, a xít HF tồn dư và con đường tồn dư là chưa phù hợp với hành động kỹ thuật của Bùi Mạnh Quốc thực hiện khi vệ sinh, bảo trì, thay thế một số bộ phận của hệ thống nước RO và chưa phù hợp với nguyên lý hoạt động của hệ thống này mà Bùi mạnh Quốc vẫn làm.

PV: Ông có thể nói rõ hơn vì sao chuỗi hành động của Bùi Mạnh Quốc lại không hợp lý với nội dung kết quả điều tra, cáo trạng, bản án?

TS. Lê Thanh Hải: Các nhà khoa học về Trang thiết bị y tế đã phân tích chuỗi hành động kỹ thuật của Bùi Mạnh Quốc trong trang 6 của Kết luận điều tra; trang 6 của Cáo trạng và trang 12-13 của Bản án số 08/2019/HSST (bản án) cùng với lời khai của Bùi Mạnh Quốc trước tòa sơ thẩm (có bản ghi âm) cho thấy:

Hành động 1: Trích kết luận điều tra…“Bùi Mạnh Quốc tiến hành các thay thế vật liệu lọc, dùng hỗn hợp a xít HF + a xít HCL lau chùi hai màng lọc cũ, thay hai màng lọc mới và dùng hỗn hợp chất trên đổ vào các cột lọc, cho vận hành và sục rửa các cột lọc, sau đó bơm nước vào các cột lọc để sục đẩy các chất cặn bẩn ra ngoài.

Việc bơm nước vào các cột lọc để sục rửa Quốc chỉ thực hiện trong thời gian 1 giờ, không có dụng cụ test độ dẫn điện của nước mà chỉ nhìn đồng hồ đo độ dẫn của hệ thống nước RO2 nên thực tế nước trong các cột lọc lúc này vẫn tồn dư lượng lớn các hóa chất mà Quốc sử dụng để sục rửa.

Tiếp đó Quốc mở van nối giữa các cột lọc với tank RO số 2 (đây là tank chứa nước RO đã đảm bảo độ tinh khiết để cung cấp nước trực tiếp vào các máy chạy thận nhân tạo), để hệ thống bơm và cung cấp nước vào đầy tank RO số 2. Do đó số hóa chất a xít HF và HCL theo hệ thống nước hòa vào nước trong tank RO số 2″...

Đại diện Bộ Y tế: Bản chất khoa học trái ngược với bản án trong vụ chạy thận Hòa Bình, Bộ sẽ kiến nghị toàn bản án - Ảnh 2.

Theo lời khai của Bùi Mạnh Quốc tại phiên tòa (có bản ghi âm) thì lần này Quốc chỉ lau vệ sinh vỏ màng RO2, tẩy cặn bám cột inox chứa màng RO2, cặn bám ở các đầu bịt cột chứa màng RO2, ngâm bằng hỗn hợp hai a xít trên rồi dùng bơm cao áp để bơm rửa và đẩy toàn bộ hỗn hợp a xít HCL và HF ra khỏi các cột vỏ màng RO2 và đổ ra đường thải trong thời gian 1 giờ.

Hành động này của Bùi Mạnh Quốc không thể gây tồn dư HCL – HF vào tank RO2.

Kết luận tồn dư HF và HCL vào tank RO2 của cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hòa Bình là không có căn cứ phù hợp với hành động này của Bùi Mạnh Quốc.

Hành động 2 (tiếp theo hành động 1): Trích kết luận điều tra: …” Sau đó, Quốc tiến hành khóa các van ở đầu cấp vào các máy lọc thận và dùng Javen để tiệt trùng hệ thống đường ống cấp nước cho máy thận nhân tạo trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Quốc tiến hành xả các đầu ống cho hết tồn dư, dùng bơm để bơm nước RO mới vào rửa đường ống liên tục trong 2 giờ, tiếp đó mở van các đầu ống để xả nước tồn lần nữa rồi cắm lại các dây như ban đầu”…

Đại diện Bộ Y tế: Bản chất khoa học trái ngược với bản án trong vụ chạy thận Hòa Bình, Bộ sẽ kiến nghị toàn bản án - Ảnh 3.

Hình 1: Sơ đồ sục rửa màng RO của hệ thống RO số 2

Có 2 minh chứng cho việc không còn tồn dư HF và HCL trong tank RO2 và vòng tuần hoàn cấp nước cho các máy thận như sau:

– Quốc đã đổ dung dịch Javen vào bồn CIP, khóa các van liên quan và cho chạy bơm tẩy màng khử trùng để khử trùng đường ống trong thời gian 2 giờ rồi xả hết javen qua các đầu ống cấp cho máy thận lần 1.

Tiếp đó Quốc dùng bơm tuần hoàn để bơm nước RO mới vào rửa đường ống liên tục trong 2 giờ rồi xả hết nước qua các đầu ống cấp cho máy thận lần 2 và cắm lại dây cho máy thận như ban đầu.

Với công suất thiết kế của bơm tuần hoàn thường 2 m3/h và hệ thống bơm cấp nước RO bù cho tank RO2 cũng liên tục hoạt động và đẩy toàn bộ nước bị nhiễm a xít HF và axít HCL trong kết luận điều tra (nếu có) ra ngoài hệ thống.

Cũng theo lời khai của Quốc tại phiên tòa sơ thẩm (có bản ghi âm) thì sau khi kết thúc khử trùng đường ống Quốc tiến hành thay thế, sửa chữa 3 van là van bơm tiệt trùng (Van K4), van xả đáy bồn RO2 và van đầu bơm cấp nước từ tank RO2 vào vòng tuần hoàn chạy thận.

Việc thay thế van xả đáy bồn RO2 – đồng nghĩa với việc kết thúc quá trình trên tank RO2 không còn nước (nội dung này tòa sơ thẩm đã hỏi rõ Bùi Mạnh Quốc và tái khẳng định tank RO2 không còn nước).

Như vậy, Kết luận điều tra, cáo trạng và bản án đã nêu về cơ chế tồn dư và con đường ô nhiễm là không phù hợp, trái với thực tiễn và không không có cơ sở khoa học.

Vì vậy cơ quan cảnh sát điều tra tìm ra tồn dư HF (F-) trong nước chạy thận hôm đó là không có căn cứ và là câu hỏi lớn về khoa học cần được nghiên cứu lại một cách thận trọng.

Điều không hợp lý tiếp theo là kết quả giám định mẫu nước, dung dịch, hóa chất đã thu.

Đại diện Bộ Y tế: Bản chất khoa học trái ngược với bản án trong vụ chạy thận Hòa Bình, Bộ sẽ kiến nghị toàn bản án - Ảnh 4.

Hình 2: Sơ đồ sục rửa đường ống

PV: Kết quả mẫu nước đã thu sau khi xảy ra sự cố có điều gì không hợp lý ở đây, thưa ông?

TS.Lê Thanh Hải: Theo như cáo trạng, kết luận điều tra và bản án chúng tôi được nghiên cứu,mẫu nước thu tại đầu cấp vào máy lọc thận số 10 và số 13 ghi thu ngày 29/5/2017 gửi giám định có các chỉ tiêu chất lượng nước:

– Độ pH rất thấp với giá trị lần lượt là 2,72 và 2,69 (pH a xít)

– Độ dẫn điện rất cao với giá trị lần lượt là 898 và 892 Micro siemen/cm

– Hàm lượng Florua (F-) lần lượt là 49mg/l và 52mg/l, đây là hàm lượng cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép

Mẫu nước cấp vào máy số 2 ghi thu ngày 29/5/2017 gửi giám định hàm lượng Florua (F-) <0,02mg/L (Rất tốt so với tiêu chuẩn nước cho thận nhân tạo).

Mẫu nước đựng trong 01 xi lanh nhựa bên ngoài có ghi “nước cấp vào máy số 4” ghi thu ngày 29/5/2017 (cùng ngày) gửi giám định có các chỉ tiêu chất lượng nước:

– Độ pH rất thấp với giá trị là 2,7 (pH a xít)

– Độ dẫn điện rất cao với giá trị là 1135 microsiemen/cm

– Hàm lượng Florua là 57,5 mg/l, đây là hàm lượng cao gấp 287,5 lần mức cho phép

Nhìn vào kết quả trên chúng ta thấy rõ phân bố nồng độ Florua không phù hợp với đặc tính hóa học của a xít HF và hoạt động của vòng lưu chuyển của hệ thống nước cho thận nhân tạo.

Đại diện Bộ Y tế: Bản chất khoa học trái ngược với bản án trong vụ chạy thận Hòa Bình, Bộ sẽ kiến nghị toàn bản án - Ảnh 5.

Sơ đồ sục rửa màng và phạm vi ô nhiễm trong trường hợp 3 van K1 (Van nối tắt cột lọc mềm); K2 (Van cấp rửa màng); K3 (Van cấp khử trùng) bị hỏng.

Bởi vì, với đặc tính hóa học của axít HF có tính tan vô tận trong nước, khả năng khuếch tán của HF trong vòng nước lưu chuyển khi chạy bơm tuần hoàn là rất cao. Cho nên, nồng độ Florua không thể có sự chêch lệch quá lớn (chỗ thì đảm bảo tiêu chuẩn, chỗ thì nồng độ Florua cao gấp 245 – 287,5 lần mức cho phép).

Sự bất hợp lý của mẫu nước còn thể hiện ở hành động Bùi Mạnh Quốc khai dùng hỗn hợp HCL và HF để lau chùi hai màng lọc, sau đó đổ vào các cột lọc để sục rửa thì nguy cơ tồn dư cả hai a xít HCL và HF là như nhau. Nhưng các kết luận điều tra, cáo trạng và cả bản án chỉ có tồn dư HF.

Còn về mặt độc học, với liều tồn dư như trên, bệnh nhân sẽ ngộ độc Florua cấp tính và phải có triệu chứng điển hình là rung thất, bệnh nhân mất tuần hoàn và tử vong rất nhanh chứ không thể tới 1h20’ sau khi chạy. Tuy nhiên, không thấy bất kỳ bệnh nhân nào được ghi có biểu hiện rung thất – triệu chứng điển hình của ngộ độc Florua cấp tính.

PV: Thưa TS. Lê Thanh Hải, theo ông sự chênh lệch của những con số trên có phải là quá trình lấy mẫu đã bị sai ngay từ đầu?

TS. Lê Thanh Hải: Kết quả xét nghiệm từ mẫu nước do cơ quan cảnh sát điều tra thu thập và yêu cầu giám định không có tính logic khoa học và không phù hợp với diễn biến y khoa thực tế diễn ra.

Theo nghiên cứu thực nghiệm của chúng tôi phối hợp các chuyên gia Hóa học tại LABO chuyên về Hóa vô cơ với dung dịch a xít HF nhãn ghi nồng độ >40%; d = 1,13 g/ml; M = 20,01, pH = 0,88; nồng độ phần trăm C = 41.95% tương đương 474,035g/l bằng 474035 mg/l. Kết quả như sau:

– Chúng tôi đã pha 13,7 lít dung dịch HF ở trên với 1986,3 lít nước RO thì được 2000 lít dung dịch có pH = 2,72. Tương đương Bùi Mạnh Quốc phải dùng 90,07 lít “mẫu nước tiệt trùng hệ thống RO theo hợp đồng” ghi thu ngày 29/5/2017 gửi giám định, có tìm thấy thành phần a xit HF hàm lượng 72,1 g/l.

– Chúng tôi cũng không thể pha được dung dịch HF có nồng độ F- từ 49-52mg/l lại có pH 2,69-2,72 như kết luận điều tra.

Kết quả thực nghiệm này cho thấy mâu thuẫn với:

– Nồng độ F- (HF phân ly) với pH,

– Số lượng a xit thu được trong kết luận điều tra,

– Kết luận nguyên nhân tử vong chỉ có HF (F-),

– Lời khai của Bùi Mạnh Quốc trước toà.

Dưới góc độ khoa học như trên tôi cho rằng, kết quả giám định mẫu nước mà cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu giám định không đảm bảo tính logic về mặt khoa học, không phù hợp với diễn biến y khoa và chắc chắn không thuyết phục được các nhà khoa học trong y tế.

PV: Ngày 13/6, trong phiên phúc thẩm tại TAND tỉnh Hòa Bình tôi thấy ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế khi trình bày công văn 41 trước toàn có nhắc tới vấn đề về 3 van hỏng. Ngay sau đó, tòa ngắt lời không cho trình bày tiếp và yêu cầu kết thúc phần trình bày của Bộ Y tế. Vậy 3 chiếc van hỏng có liên quan gì tới cái chết của 8 nạn nhân không, thưa ông?

TS. Lê Thanh Hải: Viện Trang thiết bị và Công trình y tế đã vẽ lại bản vẽ của toàn bộ hệ thống xử lý nước RO1, RO2 và các nhà khoa học về Trang thiết bị y tế đã phân tích cẩn trọng, tỷ mỉ, khách quan khoa học chỉ rõ 3 van theo kết luận điều tra (K1; K2; K3) thuộc hệ thống RO1 bị hỏng đồng thời trên cùng một con đường là việc rất hy hữu.

Nhận định của các nhà khoa học về lĩnh vực hồi sức cấp cứu, pháp y, trang thiết bị y tế, hóa học, độc chất và pháp lý của Bộ Y tế là việc hệ thống RO1 hỏng 03 van nước đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo là nguyên nhân khiến 08 người bệnh tử vong (Đây là tình tiết mới chưa có trong Kết luận điều tra) chứ không thể là tồn dư HF.

PV: Vì sao các lần trước Quốc thực hiện vệ sinh tương tự bệnh nhân không chết, nhưng lần này bệnh nhân lại chết?

Đại diện Bộ Y tế: Bản chất khoa học trái ngược với bản án trong vụ chạy thận Hòa Bình, Bộ sẽ kiến nghị toàn bản án - Ảnh 6.

TS. Lê Thanh Hải: Trong các lần trước Quốc bảo trì, hệ thống bao gồm: Bồn chứa nước tinh khiết RO2, bơm, đường ống cấp tuần hoàn, đường hồi nước về bồn RO2 được cách ly hoàn toàn và không thể xâm nhập do các van cấp rửa màng và van cấp khử trùng đóng kín.

Lần này chính việc hỏng 3 van nước (K1; K2; K3) cùng nằm trên đường nối tắt (Bypass) của hệ thống RO1 đã mở thông con đường ô nhiễm nước bẩn vào tank RO2 cấp nước cho máy thận – Đây mới là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong. Việc này có thể Bùi Mạnh Quốc đã không kiểm soát được.

Một hiện tượng bất thường trong cấu trúc là xuất hiện một van nằm trên bơm cấp khử trùng, tẩy màng (Van K4 – chức năng của van này thực sự khó hiểu về chức năng trong hệ thống nước RO1, van này được Quốc khai trước tòa là van bơm tiệt trùng nằm ngay trên bơm tiệt trùng được sửa chữa, lắp thêm), có thể có hai trường hợp xảy ra:

Trường hợp 1: Nếu K4 mở thì trong trường hợp hỏng van nối tắt cột lọc mềm (K1) và van cấp rửa màng (K2) sẽ làm cho phần lớn dịch ô nhiễm Javen và các chất bong, trôi trong quá trình sục rửa bị sục ngược lại cột lọc đầu của RO1 do hỏng van có thể đã thoát ra môi trường qua bồn làm sạch, khử trùng CIP (Clean in place) làm giảm nguy cơ ô nhiễm xâm nhập vào tank RO2 cấp cho máy thận.

  • 40 tuổi đã hỏng thận: Bệnh thận ngày càng tăng làm sao để tránh

  • Hàng triệu người Việt có khối u máu gan, lo ngại mắc ung thư: Hãy nghe chuyên gia trả lời!

Trường hợp này phù hợp hơn với diễn biến lâm sàng của tai biến y khoa.

Ngoài ra trường hợp này có thể gây hiện tượng chảy nước liên tục qua bồn CIP suốt trong thời gian hỏng van cấp tẩy màng (K2) kể cả thời gian hai hệ thống RO1 và RO2 không hoạt động.

Trường hợp 2: Nếu K4 đóng thì toàn bộ nước ô nhiễm, nước sinh hoạt chỉ được lọc qua hai cột lọc thô, cột lọc than, các chất ô nhiễm như Javen và các chất bong, trôi trong quá trình bị sục rửa ngược do hỏng van như đã phân tích ở trên dưới áp lực nước từ nguồn nước ở trên cao của bệnh viện tự chảy vào tank RO2 cấp cho các máy thận.

Cả hai trường hợp trên bệnh nhân đều chạy thận bằng nước không đảm bảo tiêu chuẩn ISO 13959:2009, ISO 13959:2014, TCVN 9856:2013 và đều có thể gây tai biến y khoa (chết người). Tuy nhiên trường hợp thì trường hợp 2 (van K4 đóng) sẽ gây tai biến nặng nề hơn.

Do sử dụng lâu, nhiều lần sục rửa, bảo trì bằng hóa chất trước đây đã làm cho quá trình van hỏng 3 van diễn ra từ từ gây rò rỉ nước sinh hoạt thành phố qua hai cột lọc đầu (Không đủ tiêu chuẩn chạy thận) vào tank RO2.

Bác sĩ Hoàng Công Lương đã nhận thấy một số biểu hiện lâm sàng bất thường trên bệnh nhân trong quá trình chạy thận trước đây, từ đó đã yêu cầu bảo trì hệ thống nước.

Tại bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hòa Bình, hệ thống RO1 cấp nước cho rửa quả lọc, hệ thống RO2 cấp nước để chạy máy thận, vì thế theo tư duy logic thì BS Lương yêu cầu bảo trì hệ thống RO2 là đúng, điều này thể hiện trực giác nghề nghiệp của BS Lương là rất tốt. Việc không ngờ tới là hư hỏng từ hệ thống RO1 đã gây ô nhiễm trực tiếp vào vòng tuần hoàn cho chạy thận nhân tạo.

Đây là một vấn đề rất phức tạp, chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học về trang thiết bị y tế; về hóa học và y học nên việc kết luận điều tra, cáo trạng, bản án và cả phần tranh tụng của các Luật sư tại phiên tòa đã đi theo hướng khác mà không chỉ ra cơ chế tồn dư và con đường ô nhiễm thực sự gây tử vong cho người bệnh.

Đáng tiếc là cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hòa Bình đã cho tiêu hủy toàn bộ hệ thống RO1 và RO2 là vật chứng quan trọng nhất của vụ án khi chưa thực nghiệm hiện trường đầy đủ, khách quan, khoa học.

PV: Vậy ông có kiến nghị gì với bản án này?

TS. Lê Thanh Hải: Tôi đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra phục dựng toàn bộ hiện trường và điều tra thực nghiệm lại với sự chứng kiến, phối hợp của các nhà khoa học trong y tế để tìm ra nguyên nhân tử vong cho những người bệnh một cách cẩn trọng, khách quan, khoa học.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.

Theo Trithuctre