Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết lãnh đạo các nước lớn trên thế giới đã gần đạt được thỏa thuận để ngăn chặn các vụ cháy rừng ở Amazon và khắc phục hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng quốc tế này. Có một sự đồng lòng rất lớn trong việc giúp đỡ những quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự việc này.

Ông Macron đã đưa vụ cháy rừng Amazon lên top của chương trình nghị sự sau khi tuyên bố đây là một “thảm hoạ sinh thái”, trường hợp khẩn cấp toàn cầu đòi hỏi phải có những phản ứng quốc tế và khởi động các cuộc thảo luận về thảm họa này.

Cháy rừng Amazon là trường hợp khẩn cấp toàn cầu - Ảnh 1.

Các nước G7 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Anh và Canada đang hoàn tất một thỏa thuận về hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. Các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý làm mọi điều có thể để giúp giải quyết vụ cháy, trao cho ông Macron một nhiệm vụ liên hệ với tất cả các quốc gia trong khu vực Amazon để thực hiện những biện pháp cần thiết.

Một số vụ cháy kỷ lục đang tàn phá rừng mưa nhiệt đới, nhiều trong số chúng ở Brazil, gây ra sự lo ngại của quốc tế vì tầm quan trọng của Amazon đối với môi trường toàn cầu.

Ông Macron tuần trước đã cáo buộc chính phủ Brazil không làm đúng trách nhiệm của mình để bảo vệ khu vực và nói dối về các cam kết môi trường.

Ông Macron cho biết các cường quốc trên thế giới cần sẵn sàng giúp đỡ trồng lại rừng và cũng thừa nhận có nhiều quan điểm khác nhau về khía cạnh này nhưng không đi sâu vào chi tiết. Có một số vấn đề nhạy cảm phụ thuộc vào các quốc gia Amazon được đưa ra thảo luận. Ông nhấn mạnh, rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới rất quan trọng đối với tương lai của hành tinh. Chúng ta tôn trọng chủ quyền, nhưng phải thực hiện mục tiêu trồng lại rừng và phải giúp mỗi quốc gia phát triển kinh tế.

Khoảng 60% diện tích rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Brazil, nạn phá rừng và hỏa hoạn tại đây có thể gây ảnh hưởng tới khí hậu và lượng mưa toàn cầu. Rừng Amazon được gọi là lá phổi của hành tinh, tạo ra khoảng 20% lượng oxy cho cả thế giới, đảm bảo thải ra ít carbon hơn và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Chỉ trong năm nay và chỉ ở Brazil đã có hơn 74.000 vụ cháy, gần gấp đôi số vụ của cả năm 2018, thiệt hại của cháy rừng Amazon năm nay là chưa từng có tiền lệ.

theo Reuters