Ông Trump và ông Tập dường như sẽ không đi đến một Thoả ước Plaza mới. Các quan chức Trung Quốc đã nhận thức sâu sắc rằng thoả thuận năm 1985 của Nhật Bản nhằm tái định giá đồng yen là minh chứng “thảm hoạ” cho nền kinh tế nước này. Thế nhưng, bất kỳ sự tiến triển nào để đi đến một thoả thuận thương mại, hay thậm chí là quyết định tiếp tục các cuộc đàm phán cấp cao tại Osaka vào cuối tuần này, cũng có thể làm giảm áp lực lên đồng NDT.
Trong trường hợp ông Trump và ông Tập không đạt được tiếng nói chung, thì đồng NDT có thể sẽ chứng kiến diễn biến tiêu cực, thách thức giới chức nước này phải giữ vững mức tâm lý quan trọng 7 NDT đổi 1 USD – điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2008. Động thái này còn có thể “khuấy động” không những là đồng tiền tệ khác của châu Á, vốn bám vào những tín hiệu từ đồng NDT, mà còn khiến các loại tài sản rủi ro “dậy sóng”, ví dụ như chứng khoán.
Dwyfor Evans, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại State Street Global Markets, nhận định: “Bất kỳ diễn biến tích cực nào trong các cuộc đàm phán hoặc các cuộc đàm phán được thực hiện trong tương lai dường như là trường hợp tốt nhất, điều đó sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro.” Tuy nhiên, “khi Osaka không còn nằm trong những vấn đề cần cân nhắc nữa, thì Bắc Kinh sẽ có được không gian về chính trị để điều chỉnh sự hồi phục cho tính linh hoạt của đồng tiền tệ”, khi đồng NDT được hạ giá vì ảnh hưởng từ vấn đề thương mại và chính sách nới lỏng tiền tệ.
Đồng NDT giao dịch ở nước ngoài.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đồng tình rằng chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng đến tỷ giá của đồng NDT. Ông Trump cho biết việc Trung Quốc hạ giá đồng NDT là một nỗ lực có chủ đích nhằm giảm bớt chi phí khi phải chịu thuế quan của Mỹ. Thống đốc PBOC, Yi Gang, cho biết “áp lực cực kỳ lớn” từ phía Mỹ đã khiến đồng tiền tệ này “yếu đi một chút.”
Tương tự như sự kiện ở Buenos Aires hồi tháng 12, tổng thống Trump và chủ tịch Tập sẽ tổ chức một cuộc họp tại Osaka vào thứ Bảy, bên lề Hội nghị G20. Hai bên đã đồng ý ngừng bắn và nối lại đàm phán. Tuy nhiên, ông Trump nói rõ rằng ông vẫn đưa việc áp dụng thuế quan bổ sung lên bàn đàm phán, khiến cho cuộc họp cuối tuần này trở nên khó dự đoán.
Chính quyền ông Trump cũng đang thúc đẩy cam kết ổn định đồng tiền tệ trong các cuộc đàm phán song phương. Trong khi đó, nếu giới chức Trung Quốc đưa ra động thái nhằm ổn định đồng NDT, ví dụ như một cam kết hoàn toàn với Mỹ, thì họ sẽ đi ngược lại với mục tiêu đã nêu của thị trường đã thiết lập tỷ giá hối đoái.
Becky Liu, đứng đầu chiến lược vĩ mô của Trung Quốc tại Standard Chartered ở Hong Kong, cho biết: “Rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến một thoả thuận rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán, nhưng lại không thấy những bước đi cụ thể.” Bà nói, đó là một kết quả dự báo đưa đồng NDT vào phạm vi hiện tại là 6,85 đến 6,95.
Vào phiên giao dịch cuối tuần này tại Thượng Hải, đồng NDT ít dao động, giao dịch quanh mức 6,8779 đổi 1 USD. Bà Liu cho biết căng thẳng leo thang sẽ khiến đồng NDT yếu hơn, buộc PBOC phải can thiệp để bảo toàn mức 7 NDT đổi 1 USD. Mức tăng của đồng NDT có thể được giới hạn vào khoảng 6,6 do các yếu tố cơ bản của kinh tế Trung Quốc không thuận lợi.
Theo Chang Su và Qian Wan, kinh tế gia của Bloomberg, giới chức Trung Quốc dường như rất cẩn trọng trước những rủi ro. Mặc dù vậy, họ có thể để cho đồng tiền tệ có diễn biến đột phá nếu không có thoả thuận nào cho cuộc chiến thương mại. Ở kịch bản này, chúng ta có thể hy vọng PBOC sẽ gửi tín hiệu tới thị trường, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngưỡng tâm lý quan trọng 7 NDT đổi 1 USD và nhấn mạnh việc ngân hàng muốn tránh những biến động cực đoan.
Đồng NDT có thể trải qua tác động tích cực nhẹ từ một thoả thuận thương mại để nối lại đàm phán, Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell và cựu kinh tế gia của IMF, cho hay. Nhưng “rất khó để tưởng tượng rằng sẽ có sự tiến triển đủ để giảm thiểu căng thẳng thương mại trong những tuần tới, mà từ đó đồng NDT nhận được sự thúc đẩy tích cực mạnh mẽ.”
theo Bloomberg