Người lao động châu Á có tỉ lệ rủi ro sức khỏe tinh thần cao

Người lao động châu Á gặp trục trặc với các vấn đề sức khoẻ tinh thần.

Có 4 trong 5 người lao động ở châu Á gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần từ mức độ trung bình đến cao.
Theo một báo cáo từ Công ty Bảo hiểm Aon & TELUS Health, người lao động ở châu Á đang gặp trục trặc với các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ước tính có khoảng 82% người lao động có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần từ mức trung bình đến cao. Trong đó, 35% có hồ sơ rủi ro sức khỏe tinh thần cao và 47% có nguy cơ ở mức độ trung bình.

Báo cáo do Aon & TELUS Health phân tích dữ liệu từ cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2022, với sự tham gia của 13.000 lao động đang làm việc tại 12 quốc gia châu Á. Khảo sát cũng cho thấy 51% người lao động nhạy cảm với tình trạng căng thẳng hơn so với năm 2021.

Mặc dù những áp lực do đại dịch COVID-19 gây ra đã giảm bớt kể từ năm 2022, nhưng người lao động châu Á dường như đang phải đối mặt với một loạt vấn đề gây căng thẳng mới, bao gồm bất ổn về kinh tế, thách thức chi tiêu tiêu dùng, tác động của biến đổi khí hậu và bất ổn địa chính trị. Đó đều là những yếu tố có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người.

Theo báo cáo, Hàn Quốc (44%), Malaysia (42%) và Nhật (41%) là những quốc gia có tỉ lệ nhân viên đối mặt với rủi ro sức khỏe tinh thần và rất dễ nhạy cảm với căng thẳng cao nhất. Những khó khăn về tinh thần, rối loạn cảm xúc như trầm cảm, lo lắng phổ biến ở tất cả các cấp bậc và ngành nghề được khảo sát trên khắp châu Á.

Giảm năng suất làm việc

Không những vậy, báo cáo đồng thời cho biết năng suất làm việc ở khu vực châu Á tương đối thấp, nhưng trầm cảm và lo âu lại cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Chẳng hạn, điểm năng suất làm việc của châu Á là 47,2/100 so với 66,7/100 ở Mỹ và 60,1/100 ở châu Âu.

“Những con số này được tạo ra từ nhiều yếu tố, bắt nguồn từ thực tế rằng châu Á có mức độ kỳ thị cao hơn đối với những người gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Hơn 50% người tham gia khảo sát bày tỏ sự lo ngại về việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ bị hạn chế đối với những người lao động có hồ sơ sức khỏe tâm lý”, ông Jamie MacLennan, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của TELUS Health, cho biết.

Ngoài ra, báo cáo còn chỉ ra có 45% người lao động ở châu Á tin rằng sức khỏe tinh thần đang ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Những quốc gia ghi nhận tổn thất doanh thu do sức khỏe tinh thần trên mức trung bình là Malaysia, Ấn Độ và Philippines. Đây là vấn đề cần được các doanh nghiệp ưu tiên quan tâm, do các chi phí trong vận hành kinh doanh có thể phát sinh như nhân viên nghỉ ốm, không có khả năng làm việc trong dài hạn, sức khỏe không thể đáp ứng với công việc hoặc nhân sự “nhảy” việc.

Một nghiên cứu khác từ Singapore cũng cho thấy những người mắc chứng lo âu và trầm cảm có năng suất làm việc kém hiệu quả hơn. Điều này đã khiến Đảo quốc sư tử thiệt hại lên tới 12 tỉ USD mỗi năm. Theo đó, ông Tim Dwyer, Giám đốc Điều hành các giải pháp y tế của công ty bảo hiểm Aon khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết nếu các doanh nghiệp không kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ nhân sự gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc thì có thể phải trả cái giá đắt. Hỗ trợ phúc lợi của nhân viên là điều cần thiết để các công ty duy trì mức độ gắng kết và giữ năng suất làm việc cho các cá thể trong nội bộ.

Bên cạnh căng thẳng, tài chính cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất lao động. Điều này lại đặc biệt đúng với môi trường kinh tế ngày nay trong bối cảnh người lao động chật vật với chi phí tăng cao, phải thắt chặt chi tiêu.

Theo báo cáo, người lao động ở châu Á có rủi ro tài chính cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Ước tính khoảng 1/3 người không có khoản tiết kiệm khẩn cấp, và cho biết tài chính có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ, và khiến mức độ tập trung vào công việc của họ kém hơn những người có quỹ dự phòng đến 60%. Những quốc gia có tỉ lệ người lao động không có khoản tiết kiệm khẩn cấp cao nhất là Philippines (48%), Malaysia (42%) và Trung Quốc (39%).

 

 

Nguồn CNBC