Theo phía Mỹ, chiếc UAV bị bắn rơi khi nó tiếp cận chiến hạm Mỹ. Vụ việc trở thành dấu hiệu mới nhất cho những căng thẳng quân sự đang leo thang ở nơi được gọi là huyết mạch dầu mỏ thế giới. Trước đó, Iran cũng bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ với cáo buộc xâm phạm không phận nước này.
Trong thông báo chính thức hôm 18/7, Tổng thống Trump cho biết chiếc UAV của Iran là mối đe dọa với con tàu và thủy thủ đoàn. Tổng thống cũng cho biết ông đang kêu gọi các quốc gia khác tiến hành việc bảo vệ tàu của mình khi đi qua vịnh Hormuz. Chiếc Boxer là tàu đổ bộ tấn công của Hải quân Mỹ.
“USS Boxer đã tiến hành phòng thủ khi chiếc UAV của Iran tiếp cận ở khoảng cách chưa đầy 1.000m. Phía Iran đã phớt lờ nhiều cuộc gọi từ phía Mỹ để yêu cầu chiếc máy bay giữ khoản cách an toàn để tránh đe dọa con tàu và thủy thủ đoàn”, ông Trump nhấn mạnh.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman thì cho biết chiếc USS Boxer đang ở vùng biển quốc tế và có kế hoạch đi qua eo biển Hormuz lúc chiếc UAV Iran tiếp cận. Việc chiếc máy bay đến quá gần là lý do Hải quân Mỹ phải thực hiện biện pháp phòng thủ.
Tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Iran vẫn đang rất căng thẳng sau một loạt các vụ tấn công nhằm vào tàu chở hàng đi qua Eo biển Hormuz, Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ và việc Anh bắt giữ một chiếc tàu chở dầu của Iran.
Trước đó, phía Mỹ lên án các hoạt động của Hải quân Iran ở Vịnh Ba tư đồng thời yêu cầu Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo phải thả một tàu chở dầu cỡ nhỏ và thủy thủ đoàn của nó sau vụ bắt giữ diễn ra trong tuần này. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về cáo buộc phía Iran có những hành động “quấy rối” với các tàu đi qua Vịnh Hormuz.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết đất nước ông có thể đóng cửa Eo biển Hormuz, huyết mạch dầu mỏ của thế giới, nhưng không muốn làm như vậy. Theo ông Zarif, Eo biển Hormuz và Vịnh Ba tư cũng là huyết mạch vận tải của Iran và nó cần được bảo vệ. Phía Iran đóng một vai trò lớn trong việc bảo vệ eo biển này.
Khoảng 1/3 lượng dầu thô và các nhiên liệu khác được vận chuyển bằng đường biển phải đi qua Vịnh Hormuz. Chính vì vậy, đây trở thành yết hầu của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Vào tháng 5 và tháng 6, 6 tàu chở dầu đã bị tấn công trong khu vực. Phương Tây cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công nhưng Tehran bác bỏ mọi cáo buộc.
“Thật là nguy hiểm bởi nó rất đông đúc. Lần gần nhất khu vực này đông đúc, Mỹ đã bắn rơi một máy bay thương mại của Iran với 290 hành khách trên nó vào năm 1988. Chúng tôi cảm thấy sự nguy hiểm và đó là lý do vì sao chúng tôi muốn tránh sự leo thang. Tuy nhiên, chúng tôi không thể từ bỏ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc mình”, ông Zarif nhấn mạnh.
theo Bloomberg