Năm 1967, ca sỹ John Lenon của ban nhạc nổi tiếng The Beatles sáng tác ca khúc “Tất cả những gì bạn cần là tình yêu” (All You Need is Love). Trớ trêu thay, ông cũng là người bạo hành hai người vợ, bỏ rơi một người con và miệt thị người quản lý đồng tính Do Thái.
Sau đó 35 năm, ca sĩ Trent Reznor của nhóm Nine Inch viết bài “Tình yêu chẳng phải tất cả” (Love is Not Enough). Bất chấp những hình ảnh ồn ào trên sân khấu và những video ca nhạc táo bạo, người nghệ sĩ này lại tránh xa rượu bia, chung thủy với một người vợ, có hai đứa con và sẵn sàng hủy mọi tour diễn hay lịch trình chỉ để ở nhà làm một người chồng, người cha nếu cần.
Rõ ràng, một trong hai người đàn ông trên có khái niệm rõ ràng, thực tế về tình yêu và người còn lại thì không. Lenon đã quá lý tưởng tình yêu như một giải pháp cho tất cả vấn đề của ông ấy, còn Reznor thì không. Tất nhiên, một trong hai người trở thành thằng khốn chỉ biết yêu bản thân, còn người còn lại thì không.
Trong xã hội hiện nay, rất nhiều người có xu hướng lý tưởng hóa tình yêu. Chúng ta coi tình yêu là phương thuốc thần cho mọi vấn đề của cuộc sống.
Bạn thất bại ư? Đó là do bạn chưa đủ đam mê.
Bạn đau khổ ư? Đó là do bạn yêu chưa đủ nhiều.
Thậm chí phim ảnh và những câu chuyện, những bài học lịch sử đều ca ngợi tình yêu như mục đích chung cực của cuộc sống, là giải pháp cuối cùng cho những nỗi đau và khó khăn. Bởi vì lý tưởng hóa tình yêu nên chúng ta đã đánh giá quá cao nó và hệ quả là mối quan hệ, hôn nhân, gia đình của chúng ta lãnh đủ.
Minh chứng mới nhất là việc cặp đôi diễn viên nổi tiếng Song Joong Ki và Song Hye Koo kết hôn, thề non hẹn biển mãi mãi sau bộ phim “Hậu duệ mặt trời”, nhưng rồi “người chồng quốc dân” lại vừa đệ đơn ly hôn sau chưa đầy 2 năm chung sống đã làm tan nát con tim của bao người hâm mộ.
Khi chúng ta tin rằng tất cả những gì chúng ta cần chỉ là tình yêu như trong bài hát của John Lenon, con người sẽ có xu hướng lãng quên những yếu tố khác trong cuộc sống như lòng tự trọng, tính nhân văn hay sự gắn kết khác với những người ta yêu. Suy cho cùng, nếu tình yêu giải quyết được mọi thứ thì tại sao lại phải quan tâm đến những thứ khác, những điều đáng ra chúng ta phải trân trọng.
Trái ngược lại, nếu chúng ta tin tình yêu không phải tất cả như Reznor, con người sẽ hiểu được rằng một mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi nhiều thứ hơn là sự rung động, hay những đam mê nhất thời. Chúng ta sẽ hiểu được rằng còn có những thứ quan trọng hơn trong cuộc sống và hôn nhân, hơn là chỉ đơn giản “yêu”. Và thực tế một cuộc tình có đẹp mãi mãi thực sự hay không dựa vào những yếu tố này hơn là chỉ có “tình yêu”.
Những sự thật tàn nhẫn về tình yêu
Việc lý tưởng hóa tình yêu khiến chúng ta có những nhầm tưởng, kỳ vọng không thực tế về “tình yêu là gì” hay “chúng có thể đem lại gì cho chúng ta”. Những lầm tưởng này cuối cùng sẽ phá hủy hoàn toàn những mối quan hệ yêu đương tưởng chừng bền lâu.
1.Tình yêu không đồng nghĩa là hòa hợp
Việc bạn yêu ai đó không có nghĩa họ là một “đối tác” tốt, một người đồng hành tuyệt vời cho bản thân bạn trong dài hạn. Tình yêu là một phản ứng cảm xúc, trong khi sự hòa hợp, tương xứng lại là vấn đề logic. Chúng là hai phạm trù khác nhau.
Bạn có thấy quen không khi nhiều người có thể yêu những đối tượng đối xử chẳng ra gì với họ, khiến họ cảm thấy tồi tệ, chẳng trân trọng họ hay có một cuộc sống phức tạp khiến họ khổ sở theo.
Thế rồi có những người yêu đối tượng có lý tưởng, mục tiêu sống hoàn toàn trái ngược với họ, thậm chí có niềm tin, quan niệm sống đối lập.
Thậm chí, nhiều người yêu mù quáng đối tượng khiến họ bị rút dần niềm hạnh phúc, sức khỏe, tiền bạc.
Câu chuyện nghe có vẻ tăm tối nhưng đây lại là sự thực. Khi nhìn lại những cuộc tình thảm hại, bạn sẽ thấy một mẫu số chung. Phần lớn trong số họ sẽ vướng vào cái bẫy cảm xúc, họ bị rung động để rồi mất sự minh mẫn trong tư duy và cứ thế yêu điên cuồng. Những yếu tố khác ví dụ như “Anh ta là một người nghiện rượu” hay ” Cô ta là người có tính cách trẻ con” đều bị bỏ qua chỉ vì “Yêu”.
Đáng buồn cười hơn là chúng ta sẽ bịa ra những lý do để bào chữa cho những yếu tố này với hy vọng rằng chúng cuối cùng sẽ ổn. Mọi người sẽ cưới nhau, sẽ có con và hạnh phúc mãi mãi.
Nhưng không, thường chỉ vài tháng, vài năm, hoặc thậm chí ngay sau khi cưới, mọi chuyện nhanh chóng tồi tệ. Chàng trai bắt đầu uống rượu nhiều hơn, say xỉn và bỏ bê bạn. Cô gái bắt đầu mè nheo, nhõng nhẽo với bạn cả ngày mà chẳng quan tâm bạn trai mình đang chịu áp lực ra sao. Thế rồi mọi người bắt đầu tự hỏi “Liệu chúng ta còn yêu nhau không?”
Trên thực tế, những mối quan hệ như vậy đã sai từ trước khi bắt đầu.
Trước khi hẹn hò hay thậm chí tìm kiếm bạn đời, bạn phải nhìn toàn cảnh chứ không nên chỉ dựa vào cảm xúc.
Đúng là bạn muốn tìm một người khiến tim bạn rộn ràng mỗi lần nhìn thấy nhau, khiến bạn cảm thấy ngọt ngào khi nghĩ về nhau, nhưng bạn cũng cần đánh giá “giá trị” thực của người đó. Ví dụ như Anh/Cô ấy tự chăm sóc bản thân như thế nào, họ đối xử với người thân ra sao, rồi lý tưởng, quan điểm sống, sự nghiệp…
Bởi vậy nếu bạn yêu một người không tương thích với bạn, hoặc có những yếu tố khiến bạn không hòa hợp, hoặc đơn giản khiến bạn ngày càng tệ đi thì chúc mừng bạn, “mãi mãi” đối với bạn chắc đang được tính bằng tháng hoặc năm.
2. Tình yêu không giải quyết hết được khó khăn
Bạn chắc chẳng lạ gì với những cặp đôi yêu nhau mà không tương thích. Những đôi yêu xa, không có sự nghiệp, gia đình phản đối, hay cả tỷ thứ khác. Tuy nhiên họ vẫn yêu nhau điên cuồng, tìm cách vượt mọi rào cản với tư tưởng kiểu cứ cố gắng đi rồi mọi chuyện sẽ qua, cứ chờ xem.
Thế rồi khi sống chung một thời gian, những cuộc cãi vã nổ ra và họ bắt đầu bới móc, lôi nhau trở lại thời điểm khi còn mới yêu để chỉ trích. Có những cặp đôi vượt qua được giai đoạn này, nhưng phần lớn thì không.
Tình yêu khiến chúng ta mù quáng tin tưởng rằng mình sẽ vượt được qua khó khăn, nhưng trên thực tế đó chỉ là mơ nếu không có kế hoạch và hành động cụ thể. Những trận cãi vã sẽ tiếp tục diễn ra và ngày càng tệ hơn nếu chúng ta không nhìn thẳng vào thực tế để giải quyết. Chàng trai và cô gái nói chuyện, cãi nhau hàng giờ mà chẳng đi đến đâu vì họ đã mất khả năng “giao tiếp hiệu quả”.
Thế rồi những chuyện tình, những cuộc hôn nhân như vậy như đống lửa thiêu đốt người trong cuộc và thường kết thúc chả mấy vui vẻ. Tình yêu tiếp cho chúng ta sức mạnh với cảm giác có thể chiến thắng mọi thứ, nhưng thực tế nó chẳng giải quyết được vấn đề thực tế nào cả.
Những cung bậc của cảm xúc cứ như men rượu vậy, mỗi lần uống là chúng ta lại càng lâng lâng và hưng phấn hơn trước nhưng nếu không có một nền tảng vững chắc để bị say, kết thúc mỗi bữa tiệc luôn là một đống hỗn độn cần người dọn dẹp.
3.Tình yêu không có nghĩa là hy sinh tất cả
Một trong những quan điểm phổ biến khi yêu là bạn phải nghĩ cho người khác, phải chăm lo cho đối phương thật tốt. Tuy nhiên hiếm ai đặt câu hỏi bạn hy sinh vì điều gì và nó có đáng không.
Trong một mối quan hệ, việc hai người hy sinh các mong muốn cá nhân, nhu cầu hay thời gian của bản thân cho nửa còn lại là điều hãy diễn ra. Đây là điều hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên nếu bạn phải hy sinh đến cả lòng tự tôn, sự tự trọng, sức khỏe, hoài bão sống hay sự nghiệp chỉ để vừa lòng hay ở bên ai đó thì tình yêu này chắc chắn có vấn đề. Tại sao vậy? Bởi một tình yêu đẹp đáng lẽ ra phải bổ sung những khiếm khuyết của bạn, chứ không phải bào mòn những gì bạn có.
Nếu bạn thấy mình đang trong tình trạng chịu đựng sự không tôn trọng và bị lợi dụng khi yêu thì thực tế đó là do bạn. Chính bản thân bạn đã cho phép tình yêu ăn mòn bản thân và bỏ rơi giá trị bản thân, để rồi một ngày nào đó bạn trở thành một cái vỏ rỗng chẳng còn gì.
Để tận hưởng tình yêu, bạn nên có một thứ gì đó quan trọng hơn nó trong cuộc sống.
Bạn có thể yêu rất nhiều dạng người trong suốt cả cuộc đời của mình. Bạn có thể yêu một ai đó đối xử tốt hoặc tệ với bạn. Bạn có thể yêu trong tỉnh táo, có thể không. Bạn có thể yêu khi đang trẻ hay về già. Tình yêu không độc nhất, không đặc biệt và cũng không hề khó kiếm.
Nhưng lòng tự trọng của bạn thì có. Kể cả nhân phẩm của bạn nữa. Bạn có thể sẽ trải qua nhiều mối tình trong cuộc đời, nhưng một khi bạn đánh mất lòng tự trọng, sự tự tin, những thứ đó rất khó để bạn tìm lại một lần nữa.
Tình yêu là một trải nghiệm tuyệt vời. Nó thậm chí là một trong những trải nghiệm tuyệt nhất cuộc sống mang lại cho bạn. Và đó là thứ mà mọi người nên cảm nhận và tận hưởng.
Nhưng cũng giống như bất kì trải nghiệm nào, nó có thể tốt hoặc xấu. Và cũng như bất kì trải nghiệm nào, nó không thể định hình tính cách cũng như mục đích sống của ta. Ta không nên để nó tác động đến mình. Chúng ta không thể hi sinh danh dự cũng như giá trị bản thân cho nó. Bởi vì khoảnh khắc ta làm như thế, ta đã đánh mất tình yêu và cũng đánh mất chính mình.
Bởi vì bạn cần nhiều thứ hơn là tình yêu trong cuộc sống. Tình yêu rất tuyệt vời. Tình yêu rất cần thiết. Tình yêu là vô cùng đẹp đẽ. Nhưng tình yêu không là tất cả.